Dòng sự kiện:
Giá dầu thế giới trượt dốc
16/11/2022 10:20:03
IMF cho rằng triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã trở nên ảm đạm hơn, trong khi OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong năm 2022. Tất cả đã đè nặng lên giá dầu.

Giá dầu ghi nhận ngày giảm thứ 2 liên tiếp sau hàng loạt thông tin kém tích cực. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 15/11, mỗi thùng dầu Brent đã giảm 0,821 USD, tương đương 0,89%, so với một ngày trước đó về 92 USD.

Giá dầu WTI chuẩn Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh hơn với 0,92 USD mỗi thùng, tương đương 1,08%, còn gần 85 USD/thùng.

"Các nhà giao dịch vẫn e ngại vì triển vọng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới", ông Craig Erlam - nhà phân tích tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - trả lời Zing.

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu lao dốc trong ngày 15/11. Ảnh: Trading Economics.

Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi

Nỗi lo ngại về nhu cầu suy yếu đã lấn át các dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ giảm đi vào mùa đông. "Rủi ro đi xuống của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất đáng ngại, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất sớm hơn", ông Erlam nhận định.

Mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022. Đây là lần cắt giảm thứ 5 của tổ chức này kể từ tháng 4.

Rủi ro đi xuống của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất đáng ngại, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạm dừng tăng lãi suất sớm hơn

Chuyên gia tài chính Craig Erlam

Nguyên nhân được OPEC đưa ra là thách thức kinh tế gia tăng, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất tăng cao.

Hôm 13/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã trở nên ảm đạm hơn so với dự báo được đưa ra vào tháng trước. IMF viện dẫn kết quả của các cuộc khảo sát quản lý thu mua trong những tháng qua.

"Thị trường đã trở nên lạc quan hơn sau báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ. Nhưng sự phấn chấn cũng nhanh chóng qua đi", ông Erlam nhận định.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến. Mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,4% và 7,7%, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.

Nhu cầu tại Trung Quốc lao dốc

Nhu cầu tại Trung Quốc sụt giảm cũng sẽ đè nặng lên thị trường dầu. Dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/11 chỉ ra 3 chỉ số kinh tế của nước này trong tháng 10 đều thấp hơn dự báo.

Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm 0,5% trong tháng 10 so với một năm trước đó, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 5%, thấp hơn dự báo 5,2% của các nhà phân tích được Reuters khảo sát.

Đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giảm nhẹ so với tháng 9, đầu tư vào bất động sản tiếp tục đi xuống sau một năm.


Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters.

Ông Fu Linghui - phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - khẳng định sự phục hồi của nền kinh tế đang chậm lại do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và các đợt bùng phát Covid-19 trong nước.

Theo ông, "3 áp lực" với tăng trưởng kinh tế đang gia tăng. Đó là nhu cầu sụt giảm, cú sốc nguồn cung và triển vọng xấu đi.

Giới quan sát cho rằng các hoạt động kinh tế bị gián đoạn hoặc sụt giảm sẽ kéo nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân đi xuống.

Tuy nhiên, các thách thức về nguồn cung vẫn đang rình rập thị trường dầu. Nhóm chuyên gia tại ANZ chỉ ra những lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với dầu Nga sắp có hiệu lực.

Trong khi đó, OPEC+ (OPEC và đồng minh) cũng đã nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng này.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến