Dòng sự kiện:
Giá dầu tiếp tục giảm phiên cuối tuần
25/02/2024 16:34:25
Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tiếp tục giảm, trong đó giá dầu WTI ở mốc 76,57 USD/thùng, giảm 2,7% (tương đương giảm 2,12 USD/thùng).

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm

Dữ liệu trên Oilprice lúc 6h30 ngày 25/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 76,57 USD/thùng, giảm 2,7% (tương đương giảm 2,12 USD/thùng).

Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 81,58 USD/thùng, giảm 2,45% (tương đương giảm 2,05 USD/thùng).

Giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc phiên cuối tuần. (Ảnh minh hoạ: Washington Post).

Giá dầu thô WTI giảm xuống 76,49 USD/thùng, đồng thời, giá dầu thô Brent cũng giảm xuống mức 81,58 USD/thùng vào thứ Sáu. Như vậy mức giảm trung bình tuần qua hơn 3% khi các nhà đầu tư tiếp thu những bình luận từ Thống đốc FED Christopher Waller. Điều này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế chậm và tiềm năng làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Tình hình ở Trung Đông căng thẳng cũng khiến giá dầu ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần nhiều bién động. Cụ thể trong phiên này, giá dầu tăng chưa đến 1%, bị hạn chế mức tăng bởi tồn kho dầu của Mỹ tăng.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,5 triệu thùng lên 442,9 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 3,9 triệu thùng của các nhà phân tích. Ngược với đà tăng của tồn kho dầu, tồn kho xăng của Mỹ giảm 300.000 thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 4 triệu thùng.

Đến phiên giao dịch thứ 5 của tuần, đà tăng của giá dầu đã chững lại, thay vào đó là sự trượt dốc sâu gần 3%.

Giá dầu giảm trong tuần do lo ngại về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Số liệu lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì chi phí đi vay ở mức cao.

Ngoài ra, báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhấn mạnh, sự suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu do chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi vào cuối tuần do lo ngại về nguồn cung mới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Dữ liệu từ EIA cũng tiết lộ rằng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự đoán vào tuần trước.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25/2 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 22/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 xuống 22.475 đồng/lít, xăng RON 95 xuốn 23.599 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel xuống 20.910 đồng/lít, dầu hỏa xuống 20.921 đồng/lít. Riêng dầu mazut trong phiên điều chỉnh lần này vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng, cụ thể, tăng lên 15.929 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 22/2.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm xuống thấp hơn so với dự báo trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chậm cắt giảm lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Đồng thời, việc Mỹ nâng giá đồng USD tác động tiêu cực lên giá dầu thế giới, căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xung đột tại khu vực Biển Đỏ vẫn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, đây là kỳ thứ 3 xăng dầu trong nước giảm giá và là lần giảm giá đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 7 phiên điều chỉnh, trong đó có 2 phiên giảm và 5 phiên tăng.

Tác giả: Phạm Duy

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến