Dòng sự kiện:
Giá điện, hỗ trợ lãi suất 2%, bán chéo bảo hiểm vào dự kiến kiểm toán năm 2024
14/10/2023 14:50:21
KTNN sẽ đánh giá việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của các NHTM, trong đó tập trung vấn đề kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, TPDN.

Theo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 vừa được gửi tới Quốc hội, công tác quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, việc môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đầu tư ... đều nằm trong số các chuyên đề được dự kiến.

Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết định hướng lựa chọn kiểm toán năm tới là các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN bao gồm 123 nhiệm vụ. Lĩnh vực NSNN dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương, 61 địa phương.

KTNN cũng dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...

Về kiểm toán chuyên đề số lượng được dự kiến là 25, trong đó có việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, công tác quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023, quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022- 2023; công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng giai đoạn 2021-2023... cũng là các chuyên đề được dự kiến.

Ngoài ra còn có dự kiến kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023 tại Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước” nhằm đánh giá quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án được dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…

Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng: KTNN dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Danh sách dự kiến có Tập đoàn Bảo Việt; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam….

Báo cáo nêu rõ, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổ chức tài chính13 để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung vấn đề kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; việc môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đầu tư

Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 30/9/2023 là 48.227 tỷ đồng/71.605 tỷ đồng đạt 67,4%, KTNN đang phối hợp với các đơn vị để kiểm tra xác nhận (cùng kỳ năm trước 56,63%); đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế chính sách là 20/270 văn bản; 41/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Tác giả: Nguyễn Lê

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến