Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng ngay sau đó.
Động thái tăng giá điện của EVN diễn ra chỉ sau đúng một ngày kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm vừa qua của tập đoàn này được công bố, với khoản lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Như vậy, khoản lỗ lũy kế của "ông lớn" ngành điện tiếp tục tăng lên mức kỷ lục hơn 42.500 tỷ đồng, dù giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5% trong năm 2023.
EVN dựa vào đâu để tăng giá điện thêm 4,8%?
Thống kê trong 18 năm (giai đoạn 2007-2024) cho thấy giá bán lẻ điện đã có 14 lần tăng liên tiếp và tăng gần 2,5 lần từ 842 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh. Trong đó, mức điều chỉnh giá điện cao nhất là năm 2011 với tỷ lệ điều chỉnh khoảng 17,4% (ngày 1/3/2011 giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.242 đồng/kWh).
Lần tăng giá bán lẻ điện bình quân gần nhất là ngày 11/10 vừa qua, từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tương đương tăng 4,8%, cũng là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 kể từ năm 2023.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN - cho biết cơ sở tăng giá điện của tập đoàn này dựa trên yếu tố chính trị, pháp lý và thực tiễn. Về cơ sở chính trị, là triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng và xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.
"Về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư 09", ông Nam nói.
Cuối cùng là cơ sở thực tiễn, theo lãnh đạo EVN, giá thành sản xuất điện năm 2023 chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ… Đối với các yếu tố đầu vào nêu trên khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm.
Thứ nhất, cơ cấu nguồn biến động theo chiều hướng bất lợi, nguồn mua điện có giá thành rẻ giảm, nguồn mua điện có giá thành đắt tăng so với năm 2022. Các nguồn có giá mua rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, tỷ trọng nguồn điện có giá mua đắt (nhiệt điện than) và giá mua rất đắt (nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%.
"Bên cạnh đó nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm trong khi không có nhiều công trình nguồn điện mới giá rẻ vận hành. Tổng sản lượng điện mua, nhập khẩu tại điểm giao nhận tăng thêm 11,8 tỷ kWh so với năm 2022, tương ứng với mức tăng 4,6%", EVN cho hay.
Đại diện EVN cho biết chỉ số giá than nhập năm 2023 có giảm so với 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân năm 2020-2021 (tăng 73,64% với NewC và tăng 22,47% so với ICI3). Tương tự, nhiều chỉ số khác như chỉ số giá dầu HFSO và giá dầu thô Brent đều cao hơn nhiều so với bình quân 2020-2021.
"Đến năm nay, do xung đột Nga - Ukraine đã làm cho thị trường than và khí, tỷ giá tăng. Cụ thể than tăng 73%, trong nước tăng 35%, khí và tỷ giá cũng tăng", ông Nam nói.
Theo lãnh đạo EVN, khi tính toán theo công thức của Quyết định 05/2024, mức tăng cao hơn rất nhiều so với mức 4,85% được phê duyệt (Ảnh: EVN).
Bên cạnh đó, giá than pha trộn cung cấp cho nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn. Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ (USD) năm 2023 cũng tăng mạnh so với năm 2022 làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ.
"EVN khó bù lỗ"
Phó tổng giám đốc EVN thừa nhận thực tế khi tính toán theo công thức của Quyết định 05/2024 thì mức tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng 4,8% lần này.
Về ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2024, lãnh đạo EVN cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng khoảng 0,04%. Đây là mức thấp so với mức đã được cân đối, tránh ảnh hưởng CPI và nền kinh tế.
Theo ông Nam, việc tăng giá điện thêm 4,8% chưa thể đánh giá ngay được kết quả lãi hay lỗ của EVN mà phải đợi đến sau khi có báo cáo giá thành điện theo quy định của Cục Điều tiết Điện lực, tức đến hết năm nay.
Nhận định về mức tăng giá điện thêm 4,8% của EVN, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lạm phát năm nay, tuy nhiên sẽ khó bù được khoản lỗ lũy kế 2 năm của "ông lớn" ngành điện.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng việc tăng giá điện để EVN có nguồn tiền thanh toán cho các nhà máy điện và phản ánh biến động của chi phí đầu vào.
"Mức tăng 4,8% không quá lớn nhưng cũng không nhỏ. Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng theo, tuy nhiên mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay vẫn sẽ hoàn thành. Bởi mức tăng này không lớn đến mức để có thể gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu", vị chuyên gia đánh giá.
Theo chuyên gia, việc tăng giá điện thêm 4,8% không ảnh hưởng lớn đến lạm phát cả năm (Ảnh: Mạnh Quân).
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng việc tăng giá điện thêm 4,8% là mức vừa phải và sẽ không tác động lớn đến lạm phát cả năm, đặc biệt khi tăng trong giai đoạn cuối năm thì chỉ ảnh hưởng khoảng 0,04%. "Thực tế hiện nay, lạm phát vẫn ở mức ổn định. Trong tháng 10, 11, lạm phát thậm chí có thể giảm nhẹ", ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Thịnh nhận định, với mức tăng giá điện 4,8% trong 2 tháng cuối năm vẫn chưa thể nào bù lại được số lỗ của EVN. Bởi thực tế, theo tính toán thời điểm tháng 8-9, giá mua điện bình quân đang cao hơn giá bán điện bình quân khoảng 6%. Do đó, EVN lỗ tiếp là điều khó tránh khỏi.
"Tuy nhiên, mức tăng giá điện phải cân đối hài hòa giữa nhiều yếu tố an sinh xã hội, đời sống nhân dân và nền kinh tế. Nếu để EVN thoát lỗ, mức tăng phải trên 6%", vị chuyên gia nhìn nhận.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia chỉ ra một thực trạng bất cập là trong cơ chế bù chéo giá điện, tức giá điện sản xuất của Việt Nam đang ở mức rất thấp, nhưng với ưu đãi này, doanh nghiệp FDI lại được hưởng lợi lớn nhất. Đây có thể là lý do gây lỗ lớn thời gian qua của EVN.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng khi giá điện tăng sẽ kéo theo áp lực về lạm phát. Nhưng nếu không tăng, EVN không có nguồn thu để bù lỗ và đầu tư hạ tầng lưới điện, doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn.
"Vấn đề quan trọng là cần triển khai những giải pháp tổng thể để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, người dân. Đồng thời cần phải có sự công khai minh bạch hóa hơn thị trường điện (nhất là thị trường bán điện đầu cuối)", ông Việt lưu ý.
Sẽ áp dụng thí điểm giá điện 2 thành phần cuối năm nay
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - cho rằng việc điều chỉnh giá điện cũng dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trong đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ hướng tới giá năng lượng theo thị trường.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp rà soát vấn đề liên quan đến chính sách, như Quyết định 28 về cơ cấu giá bán lẻ điện bình quân, nghiên cứu áp dụng giá điện 2 thành phần.
"Đây là xu thế của thế giới, tuy nhiên do điều kiện từng quốc gia khác nhau, do đó Việt Nam cần đánh giá phân tích kỹ lưỡng và có tính khoa học. Hiện, Quyết định 28 đã trình Chính phủ. Về cơ chế giá điện 2 thành phần, đề án nghiên cứu đã hoàn thành và áp dụng trên một số khách hàng, chúng tôi đang phối hợp triển khai cuối năm nay, khi có kết quả sẽ báo cáo Chính phủ", ông Hòa nói.
Trước đó, tại tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 10/10, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, đã được tính đúng, tính đủ.
Dẫn ra số liệu cụ thể, ông Thỏa cho biết qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố, giá thành điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh. "Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp, đầu vào thì theo thị trường, nhưng đầu ra lại không tính đủ theo các chi phí sản xuất kinh doanh điện", ông Thỏa phân tích.
Vị chuyên gia nhấn mạnh nếu chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ sẽ không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá điện, phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Như vậy sẽ đảm bảo giá điện minh bạch hơn.
TS Nguyễn Bách Phúc - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng điều cốt lõi là EVN cần minh bạch, công khai chi phí sản xuất điện và cách tính giá bán điện. Có như vậy, người dân sẽ hiểu và đồng ý mức điều chỉnh giá điện.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy