Dòng sự kiện:
Giá euro lại rẻ hơn USD
23/08/2022 10:39:08
Lo ngại suy thoái vẫn đè nặng lên khu vực đồng tiền chung euro. Trong khi đó, chỉ số USD tăng lên khi giới đầu tư nín thở chờ bài phát biểu của chủ tịch FED.

Theo số liệu của Bloomberg, ngày 22/8, giá 1 euro có thời điểm giảm xuống dưới ngưỡng 1 USD. Cụ thể, tỷ giá euro/USD giảm còn 0,999 rồi phục hồi lên 1,001.

So với giá đóng cửa phiên trước đó, sức mạnh của đồng euro đã giảm 0,27% so với đồng bạc xanh. Tính từ đầu năm nay, mức giảm của đồng tiền này đã lên tới 11,75%.

Chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ chủ chốt khác - đã tăng 0,135 điểm lên 108.304 điểm, mức cao nhất trong kể từ năm 2002.

Sức mạnh của đồng euro có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1 euro trong ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

FED tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất

Giá USD trở lại mức cao nhất 20 năm khi giới đầu tư nín thở chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole.

"Thị trường đang phụ thuộc vào những dữ liệu từ FED. Các nhà đầu tư sẽ muốn có được thông tin rõ ràng về quan điểm của ông Powell đối với lạm phát", bà Quincy Krosby - chiến lược gia tại công ty LPL Financial - nhận định.

Sức mạnh của đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm sau khi FED mạnh tay nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm.

Cuối tháng 7, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái tương tự hồi tháng 6 và đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.

Chỉ số USD-Index tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm với nguyên nhân chủ yếu là FED nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả. Ảnh: Trading Economics.

"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của FED. Hiện tại, lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc FED phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nói với Zing.

Lạm phát cũng Mỹ đã hạ nhiệt phần nào trong tháng 7. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng FED có thể tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.

Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết ngân hàng trung ương Mỹ cần tiếp tục nâng lãi suất lên 3,9%/năm vào cuối năm và 4,4%/năm trong năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát. Trong khi đó, Chủ tịch FED chi nhánh Chicago Charles Evans tin rằng lãi suất của FED sẽ đạt 4%/năm vào năm tới.

Châu Âu cận kề suy thoái

Ngoài ra, theo giới quan sát, đồng euro một lần nữa rơi xuống dưới ngưỡng quan trọng do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế tại Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt sau khi công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày.

Động thái đột ngột của Gazprom khiến nguy cơ khủng hoảng năng lượng của châu Âu càng phình to.

Giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu do S&P Global công bố ngày 23/8. Trước đó, các dự báo mới nhất cho thấy PMI của khu vực đồng tiền chung euro sẽ sụt giảm so với tháng 7.

Phía Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày để bảo trì. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Đức đang ngày càng u ám do nguy cơ nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga giảm mạnh và giá năng lượng tăng cao.

Một thước đo của Viện ZEW, đo lường mức độ lạc quan của nhà đầu tư về nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm từ âm 53,8 xuống âm 55,3, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Theo ông Andrew Kenningham - nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, các số liệu cho thấy Đức không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái trong năm nay. Bởi giá năng lượng cao đã tác động mạnh tới các hộ gia đình và ngành công nghiệp.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : usd , euro
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến