Vận chuyển gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ kéo dài đà giảm trong tuần này vì nhu cầu yếu, chủ yếu do bên mua dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm nên trì hoãn đặt mua.
Trong khi đó, các thương nhân Việt Nam hy vọng việc giá cả cạnh tranh và nguồn cung ngày càng tăng sẽ thu hút thêm đơn đặt hàng từ những khách hàng lớn.
Kết thúc tuần giao dịch, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức 380-385 USD/tấn - thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2023 và giảm từ mức 382-387 USD một tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết giá gạo Ấn Độ đã giảm khoảng 20 USD/tấn trong một tháng qua. Người này nhận định người mua đang chờ xem liệu giá gạo có thể giảm hơn nữa hay không.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 450 USD/tấn trong tuần này.
Một thương nhân có trụ sở tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho biết hoạt động giao dịch chắc chắn sẽ tăng trong những tháng tới, do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch hiện tại và nhu cầu lớn từ những người mua truyền thống bao gồm Trung Quốc và Philippines.
Người này cũng cho hay vụ thu hoạch Đông Xuân hiện thời sẽ kết thúc vào cuối tháng Ba.
Một thương nhân khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn gạo Thái Lan, vì vậy một số thương nhân nước ngoài đang chuyển sang mua gạo Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này tăng từ mức 455 USD/tấn trong tuần trước lên 465 USD/tấn.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá đã thay đổi một chút do đồng baht tăng giá. Tuy nhiên, thương nhân cho rằng giá sẽ bị giới hạn trong phạm vi nhất định do nhu cầu “trầm lắng" và nguồn cung đang dần tăng lên.
Một thương nhân khác cho biết giá gạo Thái Lan có thể giảm nếu nguồn cung tăng.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều tăng trong phiên 24/3, dẫn đầu bởi đà tăng của giá lúa mỳ.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 11,25 xu (1,78%) lên 6,43 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 tăng 26,5 xu (4%) lên 6,885 USD/bushel.
Tương tự, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 8,75 xu (0,62%) lên 14,2825 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mỳ được hỗ trợ khi xuất hiện thông tin rằng Chính phủ Nga có thể đề nghị tạm dừng xuất khẩu lúa mỳ và dầu hạt hướng dương qua hành lang Biển Đen trong những tháng mùa Hè.
Tuy nhiên, sau đó phía Nga cho hay không có kế hoạch ngừng xuất lúa mỳ. Thay vào đó, nước này muốn các nhà xuất khẩu đảm bảo giá trả cho nông dân đủ cao để trang trải chi phí sản xuất.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Mỹ hôm 24/3 đã bán thêm 204.000 tấn ngô cho Trung Quốc, nâng tổng lượng mua của Trung Quốc kể từ giữa tháng 3 lên 2,57 triệu tấn.
Giới quan sát cho rằng các khách hàng Trung Quốc tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu ngô từ Mỹ chủ yếu do vụ mùa của Brazil sắp kết thúc và nước này chuẩn bị chuyển sang xuất khẩu đậu tương.
Giá càphê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đột ngột tăng vọt. Hợp đồng giao tháng 5/2023 tăng thêm 65 USD lên 2.189 USD/tấn còn hợp đồng kỳ hạn tháng Bảy tăng 60 USD lên 2.165 USD/tấn. Đây đều là các mức tăng mạnh với khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York có cùng xu hướng tăng. Giá hợp đồng giao ngay tháng Năm tăng 4,95 xu lên 179,25 xu/lb và giá hợp đồng kỳ hạn giao tháng Bảy tăng 4,85 xu lên 178,30 xu/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch các hợp đồng đều khá cao và trên mức trung bình.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 1.100-1.200 đồng, lên dao động trong khung 47.900-48.500 đồng/kg.
Đánh giá về nguyên nhân cho sự phục hồi của hai loại càphê trên, giới chuyên gia nhận định là do lượng tồn kho của hai sàn ICE US và ICE London đều giảm. Báo cáo tồn kho ICE London ngày cuối tuần 24/3 đã giảm 820 tấn (tương đương giảm 13.667 bao, bao 60 kg).
Cùng với đó, công ty Volcafe của Việt Nam vừa đưa ra ước tính sản lượng Robusta năm nay giảm khoảng 5,6 triệu bao. Volcafe cũng dự đoán rằng Indonesia - nhà sản xuất càphê Robusta lớn thứ ba thế giới, sẽ chứng kiến sản lượng càphê Robusta niên vụ 2023 - 2024 giảm xuống còn 9,1 triệu bao.
Đây có thể là vụ robusta sản lượng thấp nhất trong 10 năm của Indonesia do lượng mưa quá lớn trên khắp các vùng trồng trọt, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở mức cao. Tình hình đó có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của nước này./.
Tác giả: H.Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy