Hàng triệu cành hoa bị nhổ bỏ ở Đà Lạt
Gần 10 ngày nay, hàng chục hộ trồng hoa ở TP Đà Lạt phải tự tay nhổ bỏ hoa trong vườn vì không ai thu mua. Hàng triệu cành hoa chất đống bên ngoài các nhà vườn chờ khô để đốt.
Theo các nhà vườn, thị trường TP.HCM đóng cửa, các tỉnh miền Nam khác cũng giãn cách xã hội khiến không còn nơi để xuất bán hoa Đà Lạt. "Cuối tháng 6, tôi đã phải nhổ hơn nửa vườn hoa, nay thì buộc phải nhổ hết. Vụ hoa này gia đình tôi trắng tay", ông Sanh, ngụ phường 9, TP Đà Lạt, buồn bã nói.
Những ngày này công việc bận rộn nhất ở thủ phủ hoa Đà Lạt là nhổ bỏ rồi vận chuyển hoa ra ngoài để chờ tiêu hủy.
Nhiều vườn hoa quá vụ nhưng không được thu hoạch bắt đầu trở màu, héo tàn.
"Cả mấy tháng chăm sóc nay không bán được cành nào. Giờ muốn nhổ bỏ cũng phải thuê nhân công mà kinh phí thì không có. Hoa đã thối nụ mà tôi chưa nhổ bỏ được để xuống giống vụ mới", một hộ trồng hoa ở phường 9, TP Đà Lạt, cho biết.
Không riêng gì hoa cúc, các loại hoa được thị trường ưa chuộng như hoa cát tường, hoa hồng nay cũng chung cảnh bị nhổ bỏ, chất đống dọc các con đường ở TP Đà Lạt.
Dịp này năm ngoái, ông Bùi Đức Long (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) thu về gần 1 tỷ đồng từ bán hoa cát tường. Năm nay, ông phải huy động cả gia đình nhổ bỏ gần 2.000 m2 hoa. Vụ hoa này xem như mất trắng.
Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt vẫn cố dưỡng hoa hy vọng bán dịp cuối tháng, ngày rằm gỡ lại ít vốn để xuống giống vụ mới.
Tuy nhiên, theo anh Trần Văn Luyện, một nhà vườn ở phường 7, TP Đà Lạt, hy vọng bán được hoa rất mong manh. "Rủi ro khi bỏ chi phí thu hoạch, đóng gói và vận chuyển khá cao. Nếu không bán được sẽ mất thêm một khoản chi phí không nhỏ, do vậy nhiều người chọn cách nhổ bỏ", anh nói.
Sau khi cắt bỏ 1.000 m2 hoa cúc, bà Tiêu Thị Hồng (làng hoa Xuân Thành, TP Đà Lạt) tiếp tục làm đất, chuẩn bị gieo trồng vụ hoa mới kịp dịp lễ, tết sắp tới. "Xuống giống rồi hy vọng dịch qua nhanh, vụ mới hoa bán được. Nhưng xui rủi dịch chưa được khống chế chắc lại phải nhổ bỏ tiếp thôi", bà Hồng thở dài, nói.
Không chỉ hoa thông thường mà sản phẩm cao cấp như lyly cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh, nhân công tại trang trại hoa lyly của ông Nguyễn Hữu Trí (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) đang đóng thùng, lưu kho lạnh để tiêu thụ dần.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, thiệt hại của người dân là rất lớn. Để hỗ trợ, hiệp hội đề xuất có chính sách để các ngân hàng giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho nông dân tiếp tục tái sản xuất. Đồng thời, kiến nghị với địa phương có chính sách hỗ trợ cho người trồng hoa trong gói hỗ trợ của Chính phủ.
Tỉnh Lâm Đồng có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm. Hiện, nông dân Đà Lạt chỉ tiêu thụ được khoảng 20% tổng diện tích hoa, tương đương 800 ha. Thị trường tiêu thụ bị “đóng băng” khiến giá nhiều loại hoa tại TP Đà Lạt lao dốc. Nặng nề nhất là các loại hoa cắt cành như cúc, cát tường, cẩm chướng, lyly, giá bán giảm đến 70%-80%. |
Tác giả: Minh An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy