Không lo thiếu cung cho thị trường trong nước
Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi diễn ra chiều 25/10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, về cơ bản, lĩnh vực chăn nuôi vẫn giữ được nhịp phát triển ổn định.
“Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng đàn lợn cả nước có trên 28 triệu con, gia cầm khoảng 523 triệu, sản lượng trứng đạt 12 tỷ quả, trâu bò xấp xỉ 8,5 triệu con. Với trữ lượng và kế hoạch sản xuất như vậy, nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên người và vật nuôi, hoàn toàn có thể đảm bảo được nhu cầu trong nước, nhất là trong dịp tiêu thụ cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Thậm chí, còn dư trữ lượng để xuất khẩu”, ông Trọng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)
Dự đoán về những khó khăn ngành chăn nuôi phải đối mặt trong thời gian tới, ông Trọng nhận định, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể tăng từ 16 đến 36%, trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.
Các báo cáo của Cục Thú y; Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản đều có những nhận định khả quan. Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm cơ bản được kiểm soát, kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về nguyên nhân gây nên tình trạng khó khăn hiện tại, đông đảo đại biểu đều nhất trí với báo cáo của 3 Cục chuyên môn và khẳng định, ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.
“Bất bình đẳng” trong quan hệ hợp tác
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay cho ngành chăn nuôi phần lớn bắt nguồn từ dịch bệnh Covid-19. Nhiều địa phương giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến cho các đầu mối tiêu thụ trọng điểm trong nước ngừng hoạt động, chuỗi lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, giá cước vận tải tăng cao, tiêu thụ đình trệ, dẫn đến người chăn nuôi cạn vốn tái đàn do không có nguồn thu từ phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu truyền thống của chăn nuôi Việt Nam là Trung Quốc trong tình trạng “đóng băng” do hiện giờ nước này đang còn tồn đến 439 triệu con lợn cũng là một nguyên nhân gây khó. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản lưu ý thêm.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản
Một số đại diện doanh nghiệp chỉ ra những tồn tại cần khắc phục ngay như, tình trạng “bất bình đẳng” giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn bó hẹp do thiếu thông tin về đối tác quốc tế...
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc của công ty TNHH De Heus chia sẻ, thiệt hại của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua là rất lớn nhưng không hề nhận được bất cứ sự chia sẻ nào từ phía đối tác là các nông hộ. Đây là một sự “bất bình đẳng” trong quan hệ hợp tác.
“Doanh nghiệp thường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông hộ để chủ động về nguồn cung nhưng khi giá lên thì người chăn nuôi "bẻ kèo", giá xuống họ cứ bám vào các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp để tiêu thụ, không giảm giá bán, không chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Cần phải có một chế tài chia sẻ cụ thể để đảm bảo quyền lợi giữa 2 bên”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc của công ty TNHH De Heus
Ông Hiếu cũng cho biết, thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty ông là Nhật Bản, rất muốn mở rộng sang các đối tác tiềm năng khác nhưng thiếu các thông tin, các cầu nối cụ thể để có thể vươn tới những thị trường này. Đề nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh cơ chế hợp tác, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế để doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn nữa.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chi phí sản xuất đầu vào cho chăn nuôi đến nay đã tăng đến 32-35%. Ông cũng đưa ra một số giải pháp như “cởi trói” cơ chế vay vốn, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay để tái sản xuất, quy hoạch lại hệ thống logitics nói chung...
Một giải pháp đáng lưu ý ông Tuấn nêu ra là cho các doanh nghiệp đã đảm bảo điều kiện về phòng chống dịch, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…có thể tự đăng ký mã số vùng chăn nuôi, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác phân phối và xuất khẩu sản phẩm.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam
Các vấn đề nhiều doanh nghiệp đặt ra đều được lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các Cục chức năng giải đáp kịp thời, thấu đáo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, mọi nguyên nhân đều có tính kế thừa, vì vậy, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược phù hợp để dự đoán và điều chỉnh cho phù hợp. Những phương án hết sức cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân cũng được Thứ trưởng nêu ra.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đẩy mạnh công tác hướng dẫn các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn có sẵn tại địa phương để giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng, lãi suất vay vốn, giảm nhiều loại thuế, tiền thuê đất… cũng đã được Bộ trình lên Chính phủ, đề nghị xem xét.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy