Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết chững lại đi ngang sau một tuần tăng khá.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua vẫn có sự ổn định.
Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng cũng đi ngang như OM 4900 ở mức 6.700 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; ST 24 ổn định ở mức lên 8.200 đồng/kg. Riêng giá OM 5451 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST vẫn là 7.200 đồng/kg; IR 50404 là 5.500 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang có sự giảm nhẹ ở IR 50404 là 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg; Jasmine cũng giảm 100 đồng/kg còn 7.200 đồng/kg; riêng OC ổn định ở mức 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Đồng Tháp, giá lúa lại tăng nhẹ như IR 50404 là 100 đồng/kg lên mức 6.400 đồng/kg; OM 6976 là 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Về sản xuất, để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2022-2023, bên cạnh cơ cấu giống lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp An Giang cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng.
An Giang có kế hoạch xuống giống từ đầu tháng 11/1022, với tổng diện tích xuống giống hơn 228.500ha.
Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; trong đó, cơ cấu một giống không quá 20%. Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.
Căn cứ vào số liệu theo dõi giá lúa trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân sản xuất các giống cho vụ Đông Xuân gồm OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900... Đây là các giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và giá có chiều hướng tăng.
Hơn nữa, đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ Đông Xuân năm 2022-2023 tại địa phương.
An Giang cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448...
Trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước khi vẫn mức từ 425-430 USD/tấn.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu tăng với nhiều đơn đặt hàng đến. Xuất khẩu của Việt Nam có thể cao hơn dự báo trong năm nay.
Dây chuyền đóng gọi gạo xuất khẩu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 345.600 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-28/10; trong đó phần lớn xuất đến Philippines, châu Phi, Cuba và Bangladesh.
Trong khi thị trường lúa trong nước không có nhiều biến động thì trên thị trường gạo châu Á, mưa lớn tại các bang sản xuất gạo quan trọng ở Ấn Độ khiến các thương nhân lo lắng về tình hình mùa màng tại nước xuất khẩu gạo hàng đầu này, trong khi giá mặt hàng chủ lực từ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất gần ba tháng trong tuần này do nhu cầu thấp.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức từ 374-382 USD/tấn, do nhu cầu giảm do lo ngại rằng một đợt mưa mới có thể làm giảm chất lượng gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu này.
Các bang phía Đông sản xuất lúa chính là Odisha và Tây Bengal có khả năng hứng chịu lượng mưa lớn vào tuần tới do đợt thời tiết áp suất thấp.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của Satyam Balajee, một nhà xuất khẩu, cho biết mưa quá nhiều chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng cây trồng, mà còn cả sản lượng.
Mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở một số bang sản xuất chính.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ngày 20/10 giảm xuống còn từ 405-407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022, so với mức từ 410-420 USD/tấn một tuần trước.
Các thương nhân Thái Lan cho biết giá giảm diễn ra trong bối cảnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài và trong nước bị chững lại, không có sự gián đoạn nguồn cung lớn nào mặc dù lũ lụt.
Mưa lớn và bão kể từ tháng 9/2022 đã gây ra lũ lụt ở 59 trong số 77 tỉnh của Thái Lan, làm hư hại một số vùng đất nông nghiệp.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 21/10, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đều tăng, dẫn đầu là đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 0,25 xu Mỹ (0,04%) lên 6,8425 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 1,5 xu Mỹ (0,18%) lên 8,5075 USD/bushel.
Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 4 xu Mỹ (0,29%) lên 13,955 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT tăng cao do thiếu các thông tin quan trọng. Ngoài ra, mưa lớn sắp diễn ra ở Argentina không có khả năng giúp cải thiện năng suất lúa mỳ.
Giá lúa mỳ sẽ vẫn dễ biến động vì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc liệu hành lang xuất khẩu ở Biển Đen có được mở rộng hay không. Türkiye đã mua 470.000 tấn lúa mỳ có khả năng xuất xứ từ Biển Đen hôm 21/10.
Thị trường bất ổn có thể xảy ra vào cuối năm. Người ta ước tính rằng việc thu hoạch đậu tương của Mỹ vào ngày 23/10 sẽ hoàn thành 75% đến 80% và thu hoạch ngô có thể đạt 55% đến 58%.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không đưa tin về nhu cầu xuất khẩu mới của nước này trong ngày 21/10.
Thị trường càphê thế giới cho thấy kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe - London quay đầu sụt giảm.
Giá càphê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 44 USD xuống 2.001 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 45 USD xuống 1.966 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York có phiên thứ tám sụt giảm liên tiếp.
Giá càphê Arabica giao ngay tháng 12/2022 giảm 0,15 xu Mỹ xuống 190,90 xu Mỹ/lb và giá càphê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 0,60 xu Mỹ xuống 185,80 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 800-900 đồng, xuống dao động trong khung 43.600-44.000 đồng/kg.
Chỉ số đồng USD biến động thất thường ngay từ đầu phiên cũng gây khó cho giá cà phê khi thị trường suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ "nhẹ tay" tại kỳ họp sắp tới do lo ngại "đồng bạc xanh" quá mạnh sẽ ngăn cản sự hồi phục của nền kinh tế thế giới nói chung.
Điều này cũng khiến chứng khoán Mỹ bật tăng khá mạnh kéo theo các hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao nhưng lại đẩy giá cà phê vào thế bất lợi.
Nhà tư vấn, phân tích Safras & Mercado trong một báo cáo đầu tuần cho biết Brazil đã bán khoảng 60% sản lượng vụ mua mới vừa thu hoạch, cao hơn mức bình quân trong vòng 5 năm gần đây là 58% và cao hơn cùng kỳ năm trước là 52%, do giá cả tại thị trường kỳ hạn New York hiện đang ở mức "khá hấp dẫn"./.
Tác giả: Bích Hồng-Minh Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy