Dòng sự kiện:
Giá lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng đẩy CPI tháng 7 tăng 0,62%
29/07/2021 18:00:05
Giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,62%.

Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ, đẩy CPI tháng 7 tăng.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, nếu so với tháng 12/2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 2,25% và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.

Tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số giá tiêu dùng qua các tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong mức tăng 0,62% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 so với tháng 6/2021, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,36%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. Nhóm này tăng cao do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/6/2021, ngày 12/7/2021 và ngày 27/7/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 7,08%, dầu diezen tăng 6,97%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm), chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 3,38% (kéo CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm), giá dầu hỏa tăng 7,23%; giá gas tăng 7,77%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% cũng làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến khiếnlàm giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong đó, lương thực tăng 0,36%,thực phẩm tăng 0,95%,ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.

Lạm phát cơ bán qua các tháng. Nguồn: Tổng cục thống kê.
Lạm phát cơ bán qua các tháng. Nguồn: Tổng cục thống kê.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao cùng với giá thuốc lá tăng 0,43% do nguồn cung giảm.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% chủ yếu do giá xà phòng và các chất tẩy rửa tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa dịch.

Nhóm giáo dục tăng 0,03% do giá văn phòng phẩm tăng 0,25%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng làm giá các loại thuốc tăng 0,12%.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,1% chủ yếu do giá du lịch trọn gói giảm 0,05%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,41%.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do giá điện thoại di động giảm 0,12% và phụ kiện điện thoại thông minh, máy tính bảng giảm 1,77%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác không đổi.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 28/7/2021 giảm 1,78% so với tháng 6/2021 do đồng đôla Mỹ phục hồi, thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhẹ. Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê phân tích, đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng biến thể Covid-19 mới có thể đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả: Song Hà

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : cpi tháng 7 , cpi
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến