Nhà liền kề, biệt thự đều giảm giá
Thông tin về thị trường bất động sản nhà tại Hà Nội mới đây của Savills cho thấy, thị trường bất có hoạt động tương đối "ảm đạm" trong quý I năm nay. Các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn trước bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, dẫn tới nguồn cung mới hạn chế. Bên cạnh đó, niềm tin của người mua giảm và Tết Nguyên đán diễn ra sớm đã có tác động đáng kể tới số lượng giao dịch trong quý.
Đáng chú ý, phân khúc nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội quý I vừa qua có nguồn cung mới hạn chế gồm 29 căn biệt thự, đến từ một dự án hiện hữu ở Mê Linh, giảm 96% theo năm. Nguồn cung sơ cấp từ 14 dự án, giảm 50% theo năm. Chỉ 88 giao dịch trong quý I, giảm 78% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2016, giảm 32 điểm % theo năm.
Giá biệt thự tại dự án HUD Mê Linh Central (Hà Nội) đang có xu hướng đi ngang, cá biệt có căn phải rao bán cắt lỗ, giảm giá sau thời gian "sốt nóng" (Ảnh: Hà Phong).
Giá sơ cấp biệt thự giảm 14% theo quý xuống còn 111 triệu đồng/m2 đất, liền kề giảm 3% theo quý xuống 167 triệu đồng/m2 đất. Theo đơn vị nghiên cứu, sự sụt giảm này là do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế cũng như giá sơ cấp cao sẽ dẫn đến dịch chuyển nguồn cầu cho thị trường thứ cấp. Trong quý I năm nay, giá thứ cấp trung bình đạt mức 22 tỷ đồng/căn, thấp hơn 17% so với giá sơ cấp.
Dự kiến, đến cuối năm nay, khoảng 1.800 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề sẽ được tung ra thị trường. Huyện Mê Linh chiếm thị phần lớn nhất, tiếp theo là Hoài Đức và Thanh Trì.
Người mua tháo chạy
Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự từ quý IV năm ngoái tới quý I năm nay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo JLL Việt Nam, nguồn cung thị trường nhà liền thổ gồm nhà liền kề, biệt thự tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn ngừng mở bán trong quý I năm nay. Bên cạnh nguồn cung mới giảm sâu, do tâm lý thị trường yếu kém cùng với các khó khăn trong vấn đề giải ngân khiến hoạt động giao dịch trong quý I của thị trường nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) gần như đóng băng.
Hàng loạt nhà liền kề, biệt thự tại dự án FLC Premier Parc Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang "đứng hình" (Ảnh: Hà Phong).
Trong khi đó, một vài dự án lớn tạm thời ngừng giao dịch. Đáng chú ý, một vài dự án nhỏ và vừa chứng kiến nhiều giao dịch hoàn cọc hay trả hàng do ngân hàng siết chặt room tín dụng cho vay bất động sản, khiến người mua không đủ khả năng chi trả. Điều này khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm.
Về giá của nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội, theo bà Trang Lê - Giám đốc cấp cao khối tư vấn và nghiên cứu JLL Việt Nam, đa số các dự án có mức giá thấp so với mức trung bình của thị trường (dưới 6.500 USD/m2, tương đương 153 triệu đồng/m2) đã đóng bảng hàng do chủ đầu tư áp dụng chiến lược "chờ và xem" khiến giỏ hàng sơ cấp quý này chủ yếu còn lại các dự án giá cao, khiến giá bán trung bình của nhà liền kề, biệt thự tăng 9,02% theo quý, đạt mức 7.134 USD/m2 (khoảng 167 triệu đồng/m2) đất trong quý I.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ yếu tố thay đổi trong giỏ hàng sơ cấp, giá bán trung bình của các dự án hiện hữu đều giảm nhẹ 0,8% theo quý do các chủ đầu tư đều không thay đổi nhiều về bảng giá và chính sách bán hàng.
Tác giả: Hà Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy