Dòng sự kiện:
Giá nhà tại Mỹ tăng cao kỷ lục
22/04/2022 11:04:07
Lãi suất tăng cao đã khiến thị trường nhà ở tại nhiều nơi trên thế giới hạ nhiệt. Nhưng giá nhà ở Mỹ và Canada vẫn tăng lên mức kỷ lục.

Theo Wall Street Journal, giá nhà ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3, ngay cả khi lãi suất vay thế chấp tăng nhanh khiến doanh số bán nhà lao dốc.

Cụ thể, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ, doanh số bán nhà có sẵn tháng 3 đã giảm lần lượt 2,7% và 4,5% so với tháng 2 và cùng kỳ năm trước.

Trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch, nhiều người chuyển sang làm việc từ xa và muốn một ngôi nhà rộng hơn. Cùng với đó là lãi suất thấp kỷ lục khiến thị trường nhà ở tăng nóng.

Các ngôi nhà thường được bán chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau khi tung ra thị trường, đôi khi chỉ mất vài ngày.

Giá nhà ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 ngay cả khi doanh số bán nhà lao dốc. Ảnh: Reuters.

Giá nhà tăng mạnh

Theo ông Lawrence Yun - nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), thị trường giờ đã bắt đầu hạ nhiệt, doanh số bán nhà giảm về mức trước đại dịch.

Lãi suất vay thế chấp ở mức 5% - trở lại ngưỡng cao nhất kể từ năm 2011. Ông Yun tin rằng doanh số bán nhà trong năm 2022 sẽ giảm 10% so với năm ngoái.

Lãi suất tăng cao và nguồn cung nhà thấp đã khiến nhiều khách hàng từ bỏ ý định mua nhà. Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp, tuần trước, số đăng ký mua nhà thế chấp đã giảm lần lượt 3% và 14% so với một tuần và một năm trước đó.

"Chỉ một tháng trước, nhiều khách hàng của chúng tôi vẫn sẵn sàng mua. Nhưng giờ, họ đã đổi ý", ông Monika Prasai - một môi giới bất động sản ở San Diego - tiết lộ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá nhà vẫn tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế. Theo NAR, chỉ 950.000 căn nhà được đăng bán trong tháng 3, giảm 9.5% so với tháng 3/2021.

Hoạt động xây dựng vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Ảnh: Reuters.

Theo NAR, giá nhà có sẵn trung bình tháng 3 đã tăng 15% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục 375.300 USD.

Bà Monique Nethercott và ông Grant Walker mua một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Springfield (bang Illinois) vào tháng 3 với giá 245.000 USD. Giá niêm yết của ngôi nhà là 225.000 USD.

"Các vị phải chấp nhận rằng các vị sẽ phải trả nhiều hơn giá rao bán nhiều", bà Nethercott chia sẻ.

Theo NAR, mùa xuân thường là mùa cao điểm của thị trường nhà ở. 40% giao dịch mua nhà diễn ra trong giai đoạn tháng 3 tới tháng 6. Nhưng trong năm nay, hoạt động mua bán dường như ảm đạm hơn mùa đông năm ngoái.

Không thể chi trả

Người tiêu dùng cũng trở nên thiếu lạc quan về thị trường nhà ở. Theo một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang New York, chỉ 43,3% người chưa sở hữu nhà tin rằng họ có thể mua được nhà trong tương lai.

Năm ngoái, con số này là 51,6%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp vào năm 2014. Hoạt động xây dựng đã tăng lên do nhu cầu mạnh, nhưng vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là một sự kiện lớn không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ”, ông Don Layton - cựu Giám đốc điều hành của công ty cho vay thế chấp khổng lồ của Mỹ Freddie Mac - viết trong bài bình luận cho Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở của Đại học Harvard.

Tháng 2 năm nay, Canada cũng ghi nhận giá nhà trung bình cao kỷ lục 816.720 CAD, tương đương 647.340 USD, tăng 20% so với năm ngoái. Tỉnh Nova Scotia chứng kiến tốc độ tăng nhanh nhất với 35%.

Giá nhà ở thành phố Kingston (bang Ontario) tăng vọt 44% so với năm ngoái. Đây là thành phố ghi nhận tốc độ tăng giá nhà cao nhất.

Giá nhà tăng cao khiến người tiêu dùng trở nên kém lạc quan về khả năng sở hữu nhà. Ảnh: Reuters.

Các quan chức Canada lo ngại đà tăng phi mã có thể tạo nên bong bóng. Nhưng theo giới chuyên gia, không có biện pháp nào có khả năng nhanh chóng khắc phục cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân là lãi suất vẫn thấp, những hành vi đầu cơ trên thị trường và tình trạng thiếu nhà ở mới.

Dữ liệu mới được Cơ quan Thống kê Canada công bố hôm 12/4 đã nêu bật tình trạng bất bình đẳng trong thị trường nhà ở của Canada. Theo đó, những người sở hữu trên 1 ngôi nhà nắm giữ tới gần 1/3 tổng số bất động sản nhà ở. Còn 10% chủ sở hữu giàu có nhất chiếm khoảng 1/4 giá trị nhà ở.

Bà Chrystia Freeland - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada - cho rằng giá nhà tăng cao là "sự bất công giữa các thế hệ". Bà thừa nhận đây là mối lo ngại hàng đầu của mình trong bối cảnh khủng hoảng giá nhà.

Theo bà, giá nhà tại Canada đã tăng vượt khả năng chi trả. "Trước đây, chúng tôi có nhiều cơ hội để mua nhà và lập gia đình hơn giới trẻ ngày nay", bà Freeland bình luận.

"Chúng ta không thể biến Canada thành một nơi mà việc sở hữu nhà là giấc mơ xa vời", bà nhấn mạnh. Vị phó thủ tướng mô tả tình hình hiện tại là "cú sốc".

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến