Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đầu năm 2020, do những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sốc, nhu cầu tiêu thụ về nhiên liệu Jet A1 trên toàn cầu cũng giảm mạnh kéo giá đi xuống.
Khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, giá nhiên liệu Jet A1 có xu hướng tăng trở lại và tiệm cận lại mức giá giai đoạn năm 2018-2019.
Giai đoạn đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, cuối tháng 3/2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4/2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.
Đánh giá mặc dù biến động chi phí Jet A1 hiện nay tác động làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng hàng không, song trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Cụ thể, đường bay từ 500-850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); từ 850-1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%); từ 1.000-1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%).
“Qua một thời gian áp dụng, đặc biệt, trong bối cảnh các hãng hàng không liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá Jet A1 tăng cao ngay sau khi chưa kịp phục hồi do dịch Covid-19, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội cần được xem xét, điều chỉnh tăng cho phù hợp,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
Về phía hãng bay, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu ước tính của Vietnam Airlines sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng, Bamboo Airways tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng và con số tương ứng của Vietravel Airlines là 310 tỷ đồng.
Trước đó, Vietnam Airlines đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay; nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, giá trần được quy định tại Thông tư 17/2012 của Bộ Giao thông Vận tải đã được áp dụng từ năm 2015 hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.
“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt đồng thời bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng,” lãnh đạo Vietnam Airlines phân tích.
Bên cạnh đó, khi được điều chỉnh giá trần, hãng hàng không sẽ có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng như đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành./.
Tác giả: Việt Hùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy