Dòng sự kiện:
Giá nước sông Đuống đắt gấp đôi: Vạn dân Hà Nội gánh nước giá đắt
03/11/2019 11:45:25
Giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống cao hơn một nửa so với giá bán của nước sạch sông Đà. Điều này khiến người dân có nguy cơ mua nước giá đắt thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mới đây đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.

Từ năm 2013 đến 2015, giá nước sạch ở Hà Nội liên tục tăng. Giá nước sinh hoạt (10m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3.

Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3.

Nhà máy nước Sông Đuống chưa được nghiệm thu nhưng đã bán sản phẩm cho dân

Mức giá kể trên được duy trì từ 2015 đến nay nhưng sức ép tăng giá nước sạch đang ngày càng tăng lên. Tín hiệu từ việc mua nước của Nhà máy nước Sông Đuống phần nào cho thấy điều đó.

Tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Đáng chú ý, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Có thể thấy, mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà. Chưa kể, tại văn bản kể trên, Hà Nội còn dự kiến lộ trình tăng giá nước cho nhà máy nước Sông Đuống tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Tại quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.

Có thể thấy, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống cao hơn một nửa so với giá bán của nước sạch sông Đà.

Đáng nói hơn, công ty cổ phần nước sạch sông Đà cũng đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Với mức giá này, hai đơn vị mua nước của Sông Đà để bán lại vẫn có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Bản thân công ty Sông Đà cũng ghi nhận những khoản lãi lớn từ hoạt động sản xuất nước sạch.

Giá nước Viwaco bán cho người dân khu vực Tây Nam Hà Nội ở bậc 1- bậc 3 có giá thấp hơn mức giá Hà Nội mua của nhà máy nước Sông Đuống

Ngân sách bù lỗ hay người dân phải móc tiền trả?

Vì vậy, mức giá Hà Nội tạm tính cho Sông Đuống lên đến hơn 10.000/m3 là điều đáng băn khoăn. Trả lời báo chí, đại diện nhà máy nước Sông Đuống giải thích lý do có mức giá tạm tính trên như sau: “Tính đến nay, nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính”.

Đại diện nhà máy nước Sông Đuống cho rằng việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy là một phần nguyên nhân khiến giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.

Thế nhưng, một chuyên gia về cấp nước không đồng tình với cách giải thích này. Vị này cho rằng: Đường ống sông Đà về Hà Nội cũng dài hơn 60km. DN cũng đang bỏ tiền làm đường ống thứ 2. Như vậy tổng độ dài nhà máy nước Sông Đuống không hơn của công ty Sông Đà. Dự án đầu tư của nhà máy nước Sông Đuống lại ở đồng bằng, ít tốn kém hơn nhưng giá lại đắt hơn. Các hợp phần đường ống phân phối đáng ra từ đầu phải nằm trong tính toán của DN từ đầu không thể có chuyện muốn bán nước làm đường ống thêm và tăng thêm giá so với cam kết ban đầu.

“Vì thế, cần làm rõ cơ cấu giá: giá thành sản xuất + giá phân phối. Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Không thể có chuyện chi phí vận chuyển nước hết 9.000 đồng/khối như DN nói”, chuyên gia này cho biết.

Mặt khác, hồi đầu năm nay, Sở Tài chính Hà Nội đã có cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và công ty CP Viwaco (thuộc VINACONEX).

Đáng nói là, hai đơn vị kể trên vẫn đang mua nước của nhà máy nước Sông Đà phục vụ người dân với mức giá ổn định, nguồn nước không hề thiếu. Cho nên, việc hai đơn vị kể trên phải mua thêm nước giá đắt của nhà máy nước sông Đuống là điều khá khó hiểu. Nếu điều này được thực hiện, có thể khiến cho người dân phải chịu mức giá nước sinh hoạt cao. Nếu không, ngân sách của Hà Nội sẽ phải đứng ra bù lỗ cho việc mua nước này.

Liệu việc Hà Nội đang tính toán phương án tăng giá nước sạch có phải do chịu sức ép từ giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống là câu hỏi cần được làm rõ.

Vì sao Hà Nội chấp nhận mức giá cao như vậy cho nhà máy nước sông Đuống trong khi giá nước là mặt hàng iên quan đến hàng triệu người dân? Vì vậy, các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý khác cần vào cuộc làm rõ mức giá Hà Nội tạm tính cho sông Đuống có hợp lý hay không, tránh tình trạng người dân phải mua nước giá đắt, nhà nước bù lỗ còn DN lại ăn lãi lớn.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến