Đề xuất hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng
Trong năm 2018, lượng giao dịch tài chính qua internet là hơn 255 triệu giao dịch với giá trị khoảng 16 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đã là hơn 155 triệu giao dịch với giá trị khoảng 1,86 triệu tỷ đồng. Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của các hình thức thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ, là yêu cầu, đòi hỏi sự kiểm soát, giám sát ngày càng cao hơn.
NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán với nhiều quy định mới theo hướng siết điều kiện mở tài khoản, sử dụng và hạn mức giao dịch ví điện tử nhằm kiểm soát, phòng ngừa rủi ro.
Cụ thể, tại dự thảo bổ sung quy định các hành vi bị cấm trong sử dụng ví điện tử: thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; mua, bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử, mở hộ ví điện tử; mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; làm giả, tẩy xoá, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép, uỷ thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhận khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép; lợi dụng việc cung ứng dịch vụ được cấp phép để tổ chức hoặc tham gia thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Theo đơn vị soạn thảo, việc dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi cấm nhằm ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ ví điện tử, giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức hoặc tham gia thực hiện các hoạt động rửa tiền, lừa đảo, gian lận và các hoạt động vi phạm quy định của pháp luật khác.
Về tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 8 theo hướng: tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ phải thoả thuận với ngân hàng hợp tác về các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ này, gồm việc mở tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ hoặc duy trì khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc các biện pháp đảm bảo khác. Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán.
Dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, việc tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán phải thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về việc trả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho số dư tài khoản đảm bảo thanh toán (nếu có) và việc trả, thu các khoản phí phát sinh phải tách bạch với việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán.
Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc: thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán; chuyển đến tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết với ví điện tử của khách hàng; hoàn trả tiền cho khách hàng khi có yêu cầu đóng ví điện tử hoặc trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử ngừng hoạt động, bị thu hồi giấy phép, giải thể hoặc phá sản.
Đơn vị soạn thảo lý giải, các quy định cụ thể về hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Theo đó, dự thảo đề xuất quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Đề xuất quy định cụ thể tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử là không thực chất hoặc hành vi lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng, hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán được NHNN triển khai trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo sự an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán tại Việt Nam.
“Với những sửa đổi, bổ sung được đề xuất tại dự thảo sẽ giúp đảm bảo giám sát các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả; đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đúng quy định”, vị này cho hay.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy