Tính đến hết năm 2020, đã có 201 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam cũng đã đối mặt với 6 vụ việc do phía DN nước ngoài yêu cầu điều tra thương mại.
Xuất khẩu tăng, kiện càng nhiều
Hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM ngày càng đa dạng, từ sản phẩm nông, lâm thủy sản đến các sản phẩm gỗ, linh kiện, kim loại, phụ tùng… Việc gia tăng các biện pháp PVTM khiến nhiều DN phát sinh thêm chi phí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất cũng như giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Nhận định nguyên nhân gia tăng PVTM, Bộ Công thương cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.
Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM ngày càng đa dạng.
Việc cắt giảm thuế quan theo các FTA sẽ khiến quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ. Quy mô xuất khẩu tăng trưởng thời gian qua cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và giá cả cạnh tranh tại nhiều thị trường khiến xu hướng bảo hộ và PVTM gia tăng.
Cụ thể theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn trốn thuế, chống trợ cấp sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Sản phẩm xuất khẩu bị áp thuế dễ dẫn đến việc các nhà nhập khẩu có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, thị phần bị thu hẹp và nhiều DN đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Nhiều DN xuất khẩu cho biết, bất cứ sản phẩm nhập khẩu nào của Việt Nam nằm trong diện bị các doanh nghiệp nước sở tại khởi kiện và khởi xướng điều tra áp thuế đã tạo ra sự bất lợi rất lớn. Ngoài việc giảm sút về đơn hàng, doanh nghiệp phải “căng mình” đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra, chứng minh, làm rõ hàng hóa đó không tác động đến thị trường cũng như năng lực sản xuất của DN nước sở tại.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM đánh giá, PVTM là lĩnh vực khó và phức tạp, trong thương mại quốc tế. Các nước trên thế giới đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng biện pháp PVTM từ rất lâu, trong khi Việt Nam công cụ PVTM còn rất mới đối với nhiều ngành sản xuất, nền kinh tế.
Nhưng thời gian qua nhận thức của các DN về PVTM đã được cải thiện rất nhanh. Từ năm 2000 mới có một vài vụ việc về PVTM và có rất ít ngành hiểu được công cụ này. “Tới nay, nhiều ngành xuất khẩu như thép, thủy sản, gỗ… năng lực, sự hiểu biết về PVTM đã được nâng cao; nhiều DN xuất khẩu sang thị trường lớn, thường xuyên bị áp dụng biện pháp PVTM đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với các biện pháp PVTM”, ông Dũng cho hay.
Cơ hội cho các DN nâng cao nhận thức
Nhận định về việc ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra PVTM, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, không phải quá đáng lo mà ngược lại nó chỉ càng chứng tỏ hàng hóa của chúng ta ngày càng thâm nhập được sâu rộng vào thị trường quốc tế, gia tăng sức cạnh tranh.
Đơn cử như sản phẩm mật ong của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ hàng chục năm qua. Số liệu thống kê cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất sang Mỹ khoảng 50,7 nghìn tấn mật ong, với kim ngạch xuất khẩu là 60,4 triệu USD, là quốc gia xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường này. Mật ong của Việt Nam có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, khiến lần đầu tiên sản phẩm này bị điều tra PVTM, cụ thể là kiện chống bán phá giá.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, năng lực sản xuất của các DN Việt ngày càng nâng lên, có tính cạnh tranh cao khiến cho DN tại nước xuất khẩu khó khăn cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, nên họ tìm cách chứng minh thiệt hại để yêu cầu điều tra PVTM.
Mỹ vẫn đang áp thuế CBPG ở mức 2,39 USD/kg đối với phần lớn các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, khi đàm phán thành lập tổ chức WTO, cũng đã lấy cốt lõi từ PVTM của các nước lớn, do đó, chúng ta không có gì lạ khi thấy nhiều nước sử dụng công cụ này để bảo vệ sản xuất trong nước họ.
“Các biện pháp PVTM là thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Đây là hoạt động bình thường trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Nhiều DN Việt Nam lần đầu tiên bị điều tra đều có tâm trạng lo lắng nhưng đó là thực tế của việc hội nhập sâu. Điều quan trọng là các DN cần có sự chuẩn bị kỹ càng về thông tin, tư liệu để sẵn sàng sử dụng minh chứng cho những cáo buộc từ phía nước bạn rằng sản phẩm của chúng ta không phá giá, không có trợ cấp...”, bà Trang khuyến cáo.
Mặc dù nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam về PVTM hiện nay đã được nâng cao, song ông Lê Triệu Dũng vẫn cho rằng, các DN vẫn luôn phải cẩn trọng trong việc tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những điều kiện liên quan đến xuất xứ hàng hóa... Các DN cần nghiên cứu, sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích của mình trên chính thị trường nội địa, trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy