Dòng sự kiện:
Giá thép giảm liên tiếp: Tháo gỡ bằng cách nào?
11/09/2023 08:30:53
Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 19 lần giảm liên tiếp, tùy thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau.

Giá thép liên tục giảm

Hiện giá thép trong nước dao động quanh mức 13 - 14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Bởi tuần qua, một số doanh nghiệp thép trong nước đã thông báo giảm 100.000 - 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán so với lần điều chỉnh trước đó.

Giá thép giảm 19 lần kể từ đầu năm đến nay. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Thép Hòa Phát giảm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả 3 miền. Sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam cùng ở mức 13,43 triệu đồng/tấn.

Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát ở lần điều chỉnh này vẫn được giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,74-13,79 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Việt Đức có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, tại miền Bắc, Thép Việt Đức giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán về mức 13,43 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này tại miền Bắc vẫn giữ ở mức giá 13,89 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức tại miền Trung giảm 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, giá xuống mức 13,84 triệu đồng/tấn. Dòng thép D10 CB300 vẫn có giá bán là 14,14 triệu đồng/tấn.

Thép Vina Kyoei cũng hạ 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về mức 13,46 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức giá 13,71 triệu đồng/tấn.

Trả lời VTC News sáng 10/9, ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công Ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, giống như những thương hiệu khác, giá thép Vina Kyoei cũng giảm theo. Riêng Vina Kyoei giảm hơn 40% sản lượng tiêu thụ so với cùng thời điểm năm trước.

“Giá thép trong nước cũng chịu tác động bởi giá thép thế giới, đồng thời ảnh hưởng lớn bởi việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào trong nước. Đặc biệt, nền kinh tế của đất nước chưa thực sự phục hồi, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm đã tác động rất lớn đến giá nguyên vật liệu”, ông Quang nói.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép trong nước giảm do tác động của giá nguyên vật liệu trên thế giới. Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc trong thời gian qua cũng liên tục suy yếu, góp phần hạ nhiệt giá thép thành phẩm trong nước.

Tuy vậy, hầu hết các hoạt động sản xuất thời gian qua của doanh nghiệp thép gặp khó khăn, cán cân cung cầu ngành thép hiện tại vẫn chưa thực sự có thay đổi nhiều.

“Sản lượng tiêu thụ của ngành thép được dự báo vẫn duy trì mức thấp trong tháng 9 và cả trong quý 4/2023. Nếu có tăng trưởng sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ. Trong trường hợp xấu, tình trạng ảm đạm của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023”, Hiệp hội Thép nhận định.

Tìm cách tháo gỡ

Để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nguyên vật liệu phục vụ cho ngành xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, trước tiên cần phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

“Nếu bất động sản vực dậy, phục hồi và phát triển thì các ngành khác sẽ phát triển theo, trong đó có ngành thép và vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp phụ trợ khác, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Nếu người dân có tiền thì họ sẽ tiêu xài và đầu tư vào xây dựng, qua đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, lưu thông hàng hóa”, ông Quang nói.

Giá thép trong nước giảm do tác động của giá nguyên vật liệu trên thế giới.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân chính là do cung cầu. Hiện cầu không tăng nhiều mặc dù đầu tư công tăng đáng kể thời gian qua, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.

“Để ổn định giá thép trong nước, ngoài việc kích cầu đầu tư, chúng ta phải đẩy mạnh khơi thông các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công.

Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, bởi thép chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng là chính, còn thép phục vụ cho các ngành hàng, hoạt động khác không đáng kể. Do vậy, quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, ảm đảm của bất động sản sẽ tháo gỡ khó khăn của ngành thép”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khi các dự án xây dựng, dự án bất động sản "đắp chiếu" thì không lấy đâu ra thị trường tiêu thụ thép và vật liệu xây dựng.

“Vật liệu xây dựng các loại muốn có thị trường thì các dự án, công trình xây dựng phải được triển khai, được cấp phép. Nếu dự án bất động sản, công trình xây dựng “nằm im” thì cả thị trường bị nghẽn luôn. Trong khi thép không tiêu thụ được nhưng các nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động, bộ máy nhân công vẫn phải vận hành nếu không muốn phá sản.

Do đó, các doanh nghiệp thép phải hạ giá để kích cầu tiêu dùng, trong đó là các dự án, công trình nhỏ trong dân, còn các dự án, công trình lớn thì Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ”, ông Đính nói.

Tác giả: Phạm Duy

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến