Mới đây, nhiều công ty thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 150.000-200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Ở lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 450.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 16,24 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 lên 15,33 triệu đồng/tấn sau khi tăng 250.000 đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này là 14,82 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng thép thanh vằn D10 CB300 và giữ nguyên giá thép cuộn CB240.
Tương tự, thép Việt Ý lần lượt tăng 150.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với hai loại thép CB240 và D10 CB300 lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn. Thép Việt Đức điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn và 280.000 đồng/tấn lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn với 2 loại thép trên.
Như vậy, đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá thép sau 15 lần giảm kể từ ngày 11/5. Tổng mức tăng sau hai lần điều chỉnh tới gần 1 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.
Trao đổi với Zing, đại diện Coteccons cho biết thép đã quay đầu tăng trở lại trong bối cảnh các nhóm vật liệu xây dựng khác đều đang có xu hướng tiếp tục tăng. Khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp như Coteccons, bởi các dự án của đơn vị là những dự án lớn và kế hoạch sản xuất thường đi trước 3-6 tháng.
"Doanh nghiệp cùng các bên liên quan đã phối hợp làm việc để có thể đi đến những điều khoản thỏa thuận với chủ đầu tư nếu giá vật liệu xây dựng biến động mạnh vượt biên độ thỏa ước ban đầu sẽ có những buổi họp bàn để điều chỉnh giá", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Theo báo cáo kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá xây dựng tháng 8 đã tăng 3,71% so với thời điểm đầu năm, tác động chính đến từ sự tăng giá của các vật liệu đầu vào như nhựa đường, xi măng... cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao.
Các công ty chứng khoán dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Thực tế, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng việc nhu cầu quý IV có thể tăng hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho vẫn còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy