Theo khảo sát của PV, tại khu Cát Lái, quận 2 cũ (TP Thủ Đức), một số chủ mặt bằng kinh doanh thuộc khối đế bán lẻ chung cư và shophouse giảm giá 30-50% giá thuê cho khách hàng từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 7. Thậm chí, có chủ nhà còn kích hoạt phương án mở để khách thuê có thể thương lượng giá theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, giá thuê giảm không thể níu chân khách hiện hữu và khách mới khiến số mặt bằng bỏ trống tại đây tiếp tục tăng lên.
Tại quận Thủ Đức cũ (TP Thủ Đức), trong tháng 6 và 7, nhiều shophouse đang là mặt bằng bán lẻ cũng miễn tiền thuê cho khách trong thời gian TP HCM giãn cách và phong tỏa.
Trong khi đó, tại khu vực quận 9 cũ (TP Thủ Đức), Tân Bình, Gò Vấp, giá thuê mặt bằng bán lẻ đã giảm trung bình 35-40% kể từ tháng 5 đến nay và đang diễn ra làn sóng trả mặt bằng mạnh mẽ. Từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7, nhiều khách thuê ngành dịch vụ phục vụ nhà hàng và ăn uống (F&B) tại các phố ẩm thực, khu mua sắm các quận ven này cũng đã trả mặt bằng do không thể trụ nổi khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát mạnh.
Để ngăn chặn làn sóng tháo chạy tránh dịch của các đơn vị bán lẻ quy mô nhỏ do hầu hết trung tâm thương mại đã đóng cửa từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều chủ tòa nhà, đặc biệt là các tòa tháp bán lẻ tại quận ngoại thành Sài Gòn đã miễn tiền thuê và phí quản lý cho các khách thuê hiện hữu. Tuy nhiên, ngoại trừ khách thuê thuộc nhóm V.I.P có thương hiệu mạnh chọn trụ lại mặt bằng bán lẻ trung tâm hoặc vị trí thuận tiện để theo đuổi mục tiêu dài hạn, khách thuê nhỏ lẻ có xu hướng rút khỏi mặt bằng ở ngoại thành để cắt giảm chi phí.
Anh Châu, môi giới mặt bằng nhà phố và khối đế bán lẻ tại TP Thủ Đức cho biết, có trường hợp chủ shophouse và khối đế chung cư giảm giá thuê mặt bằng 50% đến khi đợt dịch lần thứ tư được kiểm soát nhưng đầu tháng 7, khách vẫn trả mặt bằng do không đủ lực đối phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh.
"Người dân và cả các đơn vị kinh doanh đều đang thắt lưng buộc bụng để tập trung chống dịch nên mặt bằng bán lẻ ở quận ven trở thành khoản chi xa xỉ cần cắt giảm. 80% khách thuê mặt bằng đều có tâm lý chờ qua dịch tính tiếp", anh Châu cho hay.
Các khối đế thương mại, mặt bằng bán lẻ thuộc TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.
Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM vừa được Colliers Việt Nam công bố, giá thuê trung bình ở khu vực ngoại thành Sài Gòn có mức giảm sâu hơn so với khu vực trung tâm. Các mặt bằng thương mại nằm ở quận ven đô đã điều chỉnh giá thuê trung bình 30% kể từ tháng 5 trở đi và đà giảm giá thuê vẫn chưa dứt do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo đơn vị khảo sát này, các mặt bằng bán lẻ ở những quận ven đã có sự điều chỉnh mạnh từ 35 USD mỗi m2 một tháng hạ xuống còn 24,5 USD mỗi m2 một tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại quận 1 chỉ giảm không quá 15% và tỷ lệ trống chưa đến 2%. Cụ thể, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm mua sắm trên đất vàng TP HCM hạ từ 135 USD mỗi m2 một tháng giảm còn 115 USD mỗi m2 một tháng, vẫn ở ngưỡng rất cao so với các quận ven đô.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, kể từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư, thị trường bán lẻ TP HCM gặp phải rất nhiều khó khăn, trong đó khu ngoại thành chịu áp lực giảm giá thuê mạnh nhất. Tình trạng chung kể từ tháng 5 đến nay, các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa, mặt bằng kinh doanh nhà phố đìu hiu, vắng vẻ, nhiều khách thuê không thể trụ nổi vì dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông David Jackson cho hay, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở quận ven Sài Gòn rớt mạnh với tỷ lệ bỏ trống cao vì các khách thuê phân khúc này thường thuộc nhóm quy mô nhỏ lẻ.
Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị North Stars Asia cũng xác nhận, đại dịch khiến giá thuê mặt bằng toàn TP HCM lao dốc song mặt bằng bán lẻ khu vực ngoại thành chịu áp lực giảm giá mạnh hơn khu trung tâm do sức hấp dẫn thương mại ở quận ven kém hơn.
Ông Hà phân tích, mục đích thuê mặt bằng bán lẻ của nhóm khách thuê khu trung tâm bên cạnh bán hàng còn có cả giá trị quảng bá sản phẩm, tăng vị thế và tăng nhận diện thương hiệu. Trong khi đó, mục đích của nhóm khách thuê mặt bằng bán lẻ khu vực ngoại thành chỉ giới hạn ở chức năng bán hàng hoặc giới thiệu sản phẩm.
Mặt khác, khách thuê mặt bằng bán lẻ quận ven thường có tiềm lực tài chính yếu hơn khách thuê mặt bằng ở khu trung tâm. Do đó, khả năng vượt khó mùa Covid-19 của khách thuê ngoại thành cũng bị hạn chế, dẫn đến không trụ được lâu dù giá thuê giảm sâu.
Ông Hà dự báo, do đợt dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp và khó lường, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực ngoại thành nhiều khả năng vẫn tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung mặt bằng thương mại ở các quận ven hiện rất lớn và vẫn liên tục tăng mạnh trong thời gian tới. Nguồn cung lớn trong khi nhu cầu thuê giảm càng đẩy giá thuê điều chỉnh mạnh.
Chuyên gia này dự báo, giữa cơn lốc Covid-19, các xu hướng bán lẻ hiện đại (thương mại điện tử, mua sắm online...) bùng nổ cũng phần nào phá vỡ vị thế độc tôn của mặt bằng bán lẻ truyền thống. Diễn biến này đẩy các trung tâm thương mại ven đô vốn ít lợi thế cạnh tranh hơn khu trung tâm, rơi vào tình thế giảm giá nhưng ế khách thuê trong ngắn và trung hạn.
Tác giả: Trung Tín
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Dự án The paris Vinhomes ocean park
- Ruby park phúc lợi
- Mua bán Opal Skyline
- Báo giá mâm giàn giáo tại TpHCM
- Biệt thự Wonder Park Đan Phượng
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy