Dòng sự kiện:
Giá USD tăng cao, nhiều ngân hàng lãi đậm từ ngoại hối
13/11/2022 08:21:39
Trong quý III, phần lớn ngân hàng đều có lãi dương ở hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong đó, nhiều nhà băng đã ghi nhận mức tăng trưởng ba con số ở hoạt động này.

Thị trường tiền tệ biến động giúp nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng cao. Ảnh: Chí Hùng.

Đầu tháng 7, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại vẫn phổ biến ở dưới 23.400 đồng/USD, cao hơn 2,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong những tuần giao dịch tiếp theo, tỷ giá quy đổi đồng ngoại tệ này liên tục tăng cao. Đến cuối quý III (30/9), tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh đã vượt mốc 24.000 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,6% so với đầu quý và cao hơn 4,8% từ đầu năm.

Trái ngược với USD, một loạt đồng ngoại tệ khác lại giảm giá so với Đồng Việt Nam giai đoạn này như đôla Singapore giảm 0,25%; rupee Ấn Độ giảm 0,73%; đôla Australia giảm 2,44%; bath Thái giảm 3,5%; yen Nhật giảm 3,87%; euro giảm 3,89% và won Hàn Quốc giảm 7,24%...

Loạt ngân hàng lãi đậm từ ngoại hối

Trong bối cảnh thị trường tiền tệ biến động mạnh, mảng kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng lại ghi nhận hoạt động hiệu quả.

Báo lãi lớn nhất từ hoạt động này quý III là Vietcombank với gần 1.600 tỷ đồng. So với quý liền trước, mức lãi thuần kể trên của Vietcombank chỉ tăng 8%, nhưng so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng đã là 35%.

Thực tế, nhiều trăm gần đây, Vietcombank vẫn luôn là ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại hối lớn nhất thị trường. Đồng thời, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này của ngân hàng cũng luôn nằm trong nhóm hiệu quả nhất.

Tính chung 9 tháng từ đầu năm, mảng kinh doanh ngoại hối đã mang về cho Vietcombank 4.581 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ và chiếm gần 9,3% tổng thu nhập hoạt động.

Xếp sau Vietcombank là VietinBank với 843 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý III. Tương tự Vietcombank, so với quý liền trước, mức lãi thuần quý III của VietinBank chỉ tăng gần 4%, nhưng so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lên tới 69%.

Tính riêng quý III, mảng kinh doanh này đã đóng góp gần 5% vào tổng thu nhập của ngân hàng. Lũy kế 9 tháng, VietinBank cũng là ngân hàng có mức lãi thuần từ ngoại hối cao thứ 2 thị trường với 2.440 tỷ, tăng 80% so với cùng kỳ.

Là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, BIDV cũng có doanh số giao dịch ngoại hối thuộc nhóm cao nhất thị trường. Trong quý gần nhất, mảng kinh doanh này đã mang về cho BIDV 801 tỷ đồng lãi thuần, chiếm 4,4% tổng thu nhập trong quý. So với cùng kỳ năm trước, mảng kinh doanh này của BIDV đã tăng trưởng 75%. Tính chung 9 tháng, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối đã mang về cho ngân hàng 2.011 tỷ đồng, tăng 62%.

Ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh kể trên, MBBank là một trong những đơn vị có doanh số giao dịch ngoại hối lớn, đồng thời là một trong những nhà băng hoạt động hiệu quả nhất ở mảng kinh doanh này.

Trong quý vừa qua, MBBank thu về 402 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, đưa tổng lãi thuần từ đầu năm lên 1.340 tỷ, tăng lần lượt 13% và 46% so với cùng kỳ năm trước.

Với MSB, dù chỉ có quy mô trong nhóm ngân hàng cỡ vừa, ngoại hối lại là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng và đều đặn mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi quý.

Trong quý vừa qua, MSB đã thu về 327 tỷ đồng lãi thuần từ mảng kinh doanh này, tăng gần 300% so với cùng kỳ và là một trong những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cao nhất ở hoạt động ngoại hối. Tính chung 9 tháng, MSB thu về tới 889 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng 46% so với cùng kỳ và chiếm 11% tổng thu nhập.

Ngoài ra, Sacombank, TPBank, HDBank và ACB cũng là những nhà băng thường xuyên ghi nhận lãi cao ở mảng kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, trong quý này, lãi thuần ACB thu về được từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, từ mức 206 tỷ đồng quý III/2021 xuống 96 tỷ quý III/2022.

Kết quả trái ngược ở một số ngân hàng

Tuy vậy, nói với Zing, Phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng lớn, cho biết thực tế, mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng không chỉ là các giao dịch mua - bán ngoại tệ với khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp. Trên thị trường ngoại hối, các ngân hàng cũng tham gia với vai trò như một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Các ngân hàng đều có bộ phận đầu tư ngoại hối chuyên để phân tích và đưa ra các quyết định đầu tư trong lĩnh vực này. Vì vậy, không phải cứ tỷ giá tăng lên là sẽ đảm bảo ngân hàng có lãi từ ngoại hối. Nếu dự báo sai xu hướng, đầu tư không đúng thời điểm, ngân hàng cũng sẽ chịu thua lỗ ở mảng kinh doanh này”, vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy trong quý III vừa qua, không phải nhà băng nào cũng ghi nhận tăng trưởng dương ở mảng kinh doanh ngoại hối.

Không riêng ACB, một loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng âm trong quý III năm nay Techcombank (-70%); Saigonbank (-57%); SHB (-48%); Kienlongbank (-13%)…

Thậm chí, LienVietPostBank, NamABank, VPBank, ABBank và VIB còn ghi nhận lỗ thuần từ mảng kinh doanh này.

Là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất hiện nay, nhưng VPBank lại thường xuyên thua lỗ ở mảng kinh doanh ngoại hối. Trong quý vừa qua, hoạt động này khiến ngân hàng lỗ thuần 29 tỷ đồng, tăng 190% so với khoản lỗ 10 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong hai quý liền trước, nhà băng này cũng lần lượt lỗ 83 tỷ đồng quý I và 167 tỷ đồng quý II.

Tính chung 9 tháng, mảng kinh doanh ngoại hối đã khiến VPBank lỗ thuần 278 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với mức lỗ cùng kỳ năm 2021.

Việc tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tiếp tục tăng trong nửa đầu quý IV, trong khi các đồng ngoại tệ khác tăng giảm trái chiều, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các nhà băng sẽ còn phân hóa mạnh trong quý cuối năm.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến