Giá vàng quốc tế
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ giảm 0,2% xuống 1.792,54 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New giảm chưa đến 1 USD xuống 1.796,4 USD/ounce.
Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước hơn 7,6 triệu đồng/lượng.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 293.000 người, lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới mốc 300.000 sau khi đại dịch bùng phát.
CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm nhiều biến động, tăng 0,2% trong tháng 9 sau khi tăng 0,1% trong tháng 8, mức tăng nhỏ nhất trong sáu tháng trước đó. CPI lõi tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay sau khi thị trường đóng cửa, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng Chín. Biên bản cho thấy Fed có thể cắt giảm biện pháp hỗ trợ kinh tế từ giữa tháng 11 hoặc giữa tháng 12 tới với việc cắt giảm mua tài sản khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng.
Theo số liệu từ báo cáo lạm phát gần đây, đà tăng giá do Covid-19 có thể đã đạt đỉnh. Dù vậy, các nhà lập chính sách tại Fed vẫn bất đồng về lạm phát và cách ứng phó.
Dự báo giá vàng
Giới phân tích dự báo doanh nghiệp Mỹ có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý III nhưng nhà đầu tư lo ngại các vấn đề trong chuỗi cung ứng, thiếu lao động, giá nhiên liệu tăng có thể ảnh hưởng hoạt động kinh doanh hậu đại dịch.
Các chuyên gia nhận định trong khi giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.800 USD thì khó có thể tăng cao hơn nữa trong tuần sau. Chuyên gia tích cấp cao của Kitco Metals, ông Jim Wyckoff cho biết, các nhà giao dịch và nhà đầu tư cuối cùng cũng nhận ra rằng lạm phát tăng là xu hướng tăng giá của kim loại, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có làm gì đi chăng nữa.
Nhà phân tích Edward Moya, tại Công ty Dịch vụ môi giới OANDA có trụ sở tại Mỹ nhận định, biến động của đồng USD là nhân tố chính chi phối giá vàng.
Tác giả: Bảo Anh