Ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho biết, do đang vào mùa thu hoạch trái cây nên mỗi ngày doanh nghiệp của ông vận chuyển hàng trăm tấn hoa quả từ các vùng trồng nông sản đi khắp cả nước để tiêu thụ. Với số lượng đầu xe nhiều, chi phí xăng dầu rất lớn, nên khi hay tin xăng giảm từ 2.715 - 3.605 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, nhà xe rất vui mừng.
“Nhiên liệu giảm giá mạnh giúp chi phí đầu vào mỗi chuyến xe giảm, cước vận chuyển cũng hạ theo. Với mức điều chỉnh như kỳ này, cước xe sẽ giảm 200 - 300 đồng/mỗi kg hàng nông sản. Từ đó giá bán hoa quả sẽ giảm, kích thích tiêu dùng, bà con nông dân cũng được lợi”, ông Quýnh nói.
Xăng dầu hạ nhiệt song doanh nghiệp vận tải vẫn kỳ vọng giảm thêm để bớt khó khăn.
Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho hay khi giá xăng dầu giảm, giá cước lập tức sẽ tự động giảm theo. Tuy nhiên, việc giảm giá cước sẽ chỉ áp dụng với các loại hình xe hợp đồng, do trước đó đã điều chỉnh cước phí cho phù hợp biến động tăng nóng của giá nhiên liệu.
“Vé xe khách tuyến cố định chắc chưa giảm ngay được vì từ đầu năm, dù xăng dầu tăng giá mạnh nhưng giá vé vẫn giữ nguyên. Nhiều tuyến chúng tôi phải bù lỗ quá nhiều ngày. Ngoài ra, thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá xăng dầu chỉ còn 10 ngày. Hiện giá dầu thế giới giảm nhưng dự báo vẫn rất khó khăn, nên trong nước cần theo dõi và điều chỉnh hợp lý”, ông Hải nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cũng cho biết sẽ ngay lập tức giảm cước vận tải các xe hợp đồng, trong khi tuyến chở khách cố định, giá vé khó giảm ngay mà cần theo dõi thêm.
“Giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay buộc doanh nghiệp phải bù lỗ. Mặc dù giá xăng giảm về 25.000 - 26.000 đồng/lít, giá dầu diesel giảm về 24.858 đồng/lít nhưng vẫn còn rất cao”, ông Bằng nói thêm.
Vẫn theo vị này, việc tăng giảm giá vé tuyến cố định không phải nhà xe muốn là điều chỉnh ngay được mà phải báo cáo và được cơ quan quản lý chấp thuận nên sẽ mất nhiều thời gian. Giá vé các tuyến cố định đã 5 năm nay chưa có sự điều chỉnh, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện tại giá xăng dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn rất cao, do đó, đa số doanh nghiệp ngành vận tải vẫn mong giá mặt hàng này sẽ giảm sâu hơn để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.
Ông Đỗ Văn Bằng phân tích, trong lĩnh vực vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm 35 - 40% cơ cấu giá thành nên giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động cầm chừng.
“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi kỳ vọng vào việc nhà nước tiếp tục giảm một số thuế như tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để hạ giá xăng dầu. Hầu hết đang rất khó khăn do khách ít, giá nhiên liệu cao trong khi áp lực trả lãi ngân hàng vẫn rất lớn”, ông Bằng nói.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Phụ trách Kinh doanh Công ty cổ phần Vận tải T.B, giá nhiên liệu giảm là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do bão giá và hậu COVID-19. Tuy nhiên, mức giảm trên vẫn chưa được như kỳ vọng, một phần do việc trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) khá cao.
Theo đó, trong kỳ điều hành ngày 21/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính trích lập vào Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.
Theo tính toán, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu không phải trích lập gần 1.000 đồng mỗi lít xăng vào quỹ, giá xăng RON95 đã có thể giảm hơn 4.500 đồng, xăng E5RON 92 có thể giảm khoảng 3.600 đồng một lít và dầu diesel gần 2.300 đồng.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành không nên trích lập quỹ bình ổn giá ở mức cao. Người dân và doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh sau chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, cơ quan quản lý cần tình toán việc trích lập Quỹ BOG sao cho hợp lý, đồng thời sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.
"Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước", ông Trinh nói.
Từ 15h ngày 21/7, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm 1.735 đồng, bán ra 24.858 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.099 đồng còn 25.246 đồng/lít và dầu madut giảm 1.164 đồng/kg.
Tác giả: Hòa Bình
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy