Dòng sự kiện:
Giải mã dòng tiền 'nóng' vào thị trường chứng khoán
07/12/2017 11:37:14
Động lực chính giúp VN-Index đi lên trong tháng 11 là dòng tiền từ khối ngoại được “khơi mào” nhờ hoạt động thoái vốn tại các DNNN, kế đó là triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam.

Ảnh: Thanh Hoa

Tháng 11 thăng hoa

Theo thống kê, tháng 11 thường là thời điểm kém tích cực nhất trong năm đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2008-2016, chỉ số VN-Index có tới tám lần giảm điểm trong tháng 11 và chỉ có duy nhất một lần tăng điểm. Không chỉ có số lần giảm điểm chiếm ưu thế mà mức độ giảm điểm trong tháng 11 cũng rất mạnh với nhiều lần giảm trên 5%. Những con số thống kê trên đã khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về diễn biến TTCK Việt Nam trong tháng 11 vừa qua. Bên cạnh đó, việc TTCK Việt Nam liên tục bứt phá trong năm 2017 mà chưa có nhịp điều chỉnh nào thực sự đúng nghĩa càng khiến giới đầu tư bước vào tháng 11 với tâm lý có phần e dè.

Tuy vậy, diễn biến chỉ số VN-Index trong tháng 11 năm nay đã đi ngược hoàn toàn với mọi dự đoán. Tính đến hết phiên 30-11, chỉ số VN-Index đã đạt mức 949,93 điểm, tương ứng mức tăng 13,5% so với tháng trước. Đây cũng là tháng VN-Index bứt phá mạnh nhất kể từ tháng 1-2013. Với mức tăng này, VN-Index đã trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau thị trường Mông Cổ (tăng 15,12%). Việc thị trường bất ngờ bứt phá mạnh trong tháng 11 vừa qua có sự đóng góp chủ yếu từ nhóm cổ phiếu blue-chips vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu trong danh sách thoái vốn nhà nước như VNM, SAB, BHN, BMP, NTP, FPT, DIG…

Trong tháng 11 vừa qua, TTCK Việt Nam cũng đón nhận nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn lên sàn. Tiêu biểu nhất là cổ phiếu của Vincom Retail (VRE), kế đến là Văn Phú Invest (VPI), Dịch vụ sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA). Những cổ phiếu này đã góp phần thổi làn gió mới vào thị trường. Ngoài ra, sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, thép, bất động sản, chứng khoán… cũng góp phần “giữ nhiệt” thị trường.

Dòng tiền lớn đến từ đâu?

Câu hỏi đặt ra đối với không ít nhà đầu tư là dòng tiền lớn chảy vào TTCK trong tháng 11 vừa qua xuất phát từ đâu. Liệu có tình trạng dòng tiền từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, vàng hay ngoại tệ đã có sự “nhấp nhổm” và chuyển hướng vào kênh chứng khoán?

Một chỉ dẫn rất đáng tham khảo là thống kê số liệu giao dịch giữa các quí xét theo thành phần nhà đầu tư. Theo một báo cáo của VPBank thì đã có sự đổi chiều mạnh về dòng vốn giữa các thành phần nhà đầu tư trong ba tuần đầu của tháng 11. Cụ thể, nếu như trong quí 3, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước còn chiếm đến 80,9% toàn thị trường thì đến thời điểm 20-11-2017, tỷ trọng này chỉ còn 65,28%. Trong khi đó, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã tăng mạnh từ 10,63% lên mức 26,63% giữa hai thời điểm. Tỷ trọng giao dịch của tổ chức trong nước và cá nhân nước ngoài không có biến động lớn trong quãng thời gian này. Như vậy, có thể thấy, dòng vốn từ khối ngoại đã đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy VN-Index đi lên trong tháng 11.

Soi chiếu sang số liệu mua ròng của họ trong tháng 11 cũng hoàn toàn trùng khớp. Khối này đã mua ròng đột biến gần 11.300 tỉ đồng trên cả ba sàn trong tháng vừa qua. Đây là con số mua ròng trong một tháng lớn nhất từ trước tới nay của khối ngoại trên TTCK Việt Nam. Việc khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng 11 đến từ một số thương vụ lớn như: mua ròng hơn 5.200 tỉ đồng Vincom Retail (VRE); mua ròng gần 2.700 tỉ đồng Vinamilk (VNM) - chủ yếu đến từ Jardine Cycle & Carriage; mua ròng hơn 1.000 tỉ đồng DIG. Lũy kế từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 25.710 tỉ đồng trên TTCK Việt Nam, đây cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Như vậy câu trả lời đã rõ! Động lực chính giúp VN-Index đi lên trong tháng 11 là dòng tiền từ khối ngoại. Dòng tiền này được “khơi mào” nhờ hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước kế đó là triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể sẽ tiếp bước Pakistan với khả năng tăng trưởng khoảng 30-35% sau khi chính thức được MSCI xem xét nâng hạng.

Tuy nhiên, ngoài dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài thì liệu dòng vốn từ các kênh đầu tư khác có hiện tượng chuyển hướng sang chứng khoán hay không? Theo quan sát của người viết thì tính đến thời điểm hiện tại, có thể đã có sự chuyển dịch nhất định của dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán nhưng mức độ chưa lớn. Những tuần qua, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, thậm chí trong tuần từ 14 đến 20-11, Ngân hàng Nhà nước còn hút ròng về một lượng tiền lớn thông qua kênh tín phiếu (hơn 44.000 tỉ đồng). Như vậy, biến động lớn về tiền gửi tiết kiệm không xảy ra. Trong khi đó, dư nợ cho vay chứng khoán của hệ thống ngân hàng thậm chí còn giảm mạnh. Theo phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào ngày 17-11-2017 thì tỷ trọng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho kênh chứng khoán hiện ở mức thấp (khoảng 10.000 tỉ đồng), giảm mạnh 40% so với cuối năm 2016. Điều này cho thấy dòng tiền vào thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay là khá lành mạnh, nhà đầu tư sử dụng vốn tự có của bản thân hoặc vay margin từ nguồn vốn của các công ty chứng khoán chứ không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Còn đối với kênh bất động sản, sự chuyển hướng của dòng tiền (nếu có) có thể sẽ chậm hơn do tính thanh khoản của hàng hóa trên kênh này không phải lúc nào cũng cao. Kênh vàng và ngoại tệ thì từ ba năm nay đã khá trầm lắng, chỉ thích hợp với một đối tượng nhà đầu tư nhỏ nên không còn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền nóng như trước đây. Như vậy, có thể thấy dòng tiền chủ yếu hiện nay trên TTCK chủ yếu đến từ dòng vốn ngoại cũng như những nhà đầu tư nội đã gắn bó với TTCK trong một thời gian dài.     

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến