Dòng sự kiện:
'Giải mã' sự thảm khốc của sóng thần Indonesia
24/12/2018 10:15:55
Theo giới chuyên gia địa chất, núi lửa Anak Krakatoa phun trào khiến thủy triều dâng bất thường, lớp địa tầng dưới biển dịch chuyển mạnh là nguyên nhân dẫn đến trận sóng thần thảm khốc gần eo biển Sunda, Indonesia.

Núi lửa Anak Krakatoa phun trào. (Ảnh: AFP)

Một trận sóng thần lớn đã tấn công đảo Sumatra và Java ở eo biển Sunda của Indonensia đêm 22/12. Theo số liệu cập nhật đến cuối ngày của giới chức địa phương, số người chết hiện đã tăng lên 235 người, trong khi ít nhất 900 người bị thương. Con số thương vong được dự báo còn tăng tiếp.

Điều đáng nói là, người dân trên các đảo này không hề nhận được bất cứ cảnh báo nào ngay trước khi sóng thần tấn công bất chấp tính chất thảm khốc của nó. Giới chức khí tượng địa phương ban đầu chỉ cho rằng đó là một đợt thủy triều dâng thông thường và kêu gọi người dân không phải hoảng sợ.

Cảnh đổ nát sau khi sóng thần tấn công đảo Sumatra và Java của Indonesia tối 22/12. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin National Geographic dẫn nhận định của giới chuyên gia đã chỉ ra lý do khiến trận sóng thần thảm khốc và hoàn toàn bất ngờ này. Theo đó, họ cho rằng, không giống các trận sóng thần trước kia gây ra bởi động đất, đợt sóng thần này dường như gây ra bởi núi lửa phun trào. Giới chức địa phương cho biết, sóng thần xảy ra chỉ khoảng hơn 20 phút kể từ khi núi lửa Anak Krakatoa nằm giữa eo biển Sunda và đảo Sumatra, Java phun trào.

"Đây không phải một trận sóng thần thông thường. Nó là một trận sóng thần có căn nguyên từ núi lửa", ông Costas Synolakis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sóng thần Đại học Nam California, nhận định. Cũng theo chuyên gia này, do núi lửa Krakatoa nằm gần bờ nên sóng thần tấn công chỉ khoảng 20-30 phút sau khi núi lửa phun trào.

Chuyên gia địa chất Mika McKinnon cho rằng, núi lửa phun trào kéo theo một lượng lớn đất đá đổ xuống biển và đủ tạo ra các đợt sóng cực lớn. Một giả thuyết khác được đưa ra là, núi lửa phun trào đã làm dịch chuyển các lớp địa tầng sâu dưới đáy biển và tạo ra sóng thần. Hoạt động dịch chuyển này được cho là đã tạo ra một đảo nhỏ giữa Java và Sumatra.

Các nhà khí tượng, địa chất cảnh báo, do núi lửa Krakatoa tiếp tục phun trào nên không loại trừ khả năng sẽ có thêm các đợt sóng thần khác tấn công Sumatra hay Java.

Núi lửa Krakatoa từng phun trào thảm khốc vào ngày 26-27/8/1883, khiến hơn 35.000 người thiệt mạng. Chỉ vài tháng trước đó, núi lửa này cũng từng xảy ra một đợt phun trào mạnh tương tự. Các đợt phun trào này đã kéo theo sức phá hủy tương đương 200 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần sức công phá của quả bom hạt nhân đã san phẳng Hiroshima năm 1945. Những người sống trong bán kính khoảng hơn 10km bị cho là đã gặp phải các vấn đề về thính lực do ảnh hưởng từ các vụ nổ phun trào của núi lửa này.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến