Số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn hơn 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.
Liên quan đến nguồn vốn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh 8.400 tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc không giải ngân được sang các bộ, ngành, địa phương khác.
Trong khi đó, ước thanh toán đến ngày 30/9/2024, con số đạt được là trên 320.566 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ 51,38% của cùng kỳ năm trước.
Trong số ngân khoản đã được giải ngân, vốn trong nước là trên 315.699 tỷ đồng, đạt 47,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài là gần 4.867 tỷ đồng, đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn chưa được như kỳ vọng, nhiều địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh
Tỷ lệ giải ngân này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chưa đạt kỳ vọng. Hiện tại, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Long An…, vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.
Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Chẳng hạn, TP.HCM được giao hơn 79.263 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,7% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch.
Hà Nội cũng tương tự, được giao hơn 81.033 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.
Trong khi đó, Hưng Yên được giao 19.921 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 31,13% kế hoạch…
Việc các địa phương này giải ngân chậm đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước nói chung.
Đề cập các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công 9 tháng qua thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhấn mạnh các vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án…
Chưa kể, năm 2024, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động nên kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất tại các địa phương còn chậm triển khai hoặc chưa thể triển khai, dẫn đến nguồn thu ngân sách địa phương từ nguồn thu sử dụng đất chưa được đảm bảo để bố trí cho các dự án.
Cùng với đó, vấn đề giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài vẫn chưa khắc phục được.
Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với giải ngân vốn đầu tư công, hiện vẫn chưa giải quyết được tính đặc thù của nhiều năm nay là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, nhưng xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm do các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoàn thành, đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân để giảm số lần phải làm thủ tục thanh toán.
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như công tác lập kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện khiến nhiều đơn vị đến nay đã phải đề xuất trả lượng vốn tương đối lớn (như TP.HCM, Bộ Tài chính, Đại học Quốc gia TP.HCM)…
Thiên tai, bão lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, nhiều dự án phải tạm dừng để khắc phục hậu quả bão lũ…
Đồng tình với báo cáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, vừa rồi Tuyên Quang mất 4 tháng mưa nên không thể triển khai xây dựng nhiều dự án, dẫn tới tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt 40%.
Tuy vậy, theo ông Sơn, Tuyên Quang đang quyết tâm tập trung thi đua để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo kế hoạch giải ngân 95% trong năm nay.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo điều hành để có thể đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
“Hiện nay, TP.HCM mới giải ngân được hơn 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, rất thấp. Tuy vậy, chúng tôi xác định đã phân nhóm, xác định giải pháp và triển khai thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công”, ông Phan Văn Mãi nói.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Đây là một nhiệm vụ khá nặng nề, bởi sau 9 tháng, tỷ lệ giải ngân chưa được 50% kế hoạch được giao. Do vậy, áp lực giải ngân trong những tháng tới là rất lớn.
“Phải đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương ngay sau phiên họp. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng…”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy