Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến hết ngày 10/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Trong đó, đáng chú ý là có 8 trong số 13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào, 5 bộ, ngành còn lại đã giải ngân, tập trung chủ yếu ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đạt hơn 18%) và Bộ Giao thông Vận tải (đạt hơn 14%).
Hiện nay, các bộ, ngành vẫn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020. Từ đầu năm đến 10/6, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 của các bộ, ngành là 2.187,7 tỷ đồng (gần gấp đôi số giải ngân theo kế hoạch vốn 2021).
Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp căn cơ trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh: TTXVN)
“Tính đến hết ngày 10/6, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày”, ông Long cho biết thêm.
Ông Trương Hùng Long cũng đề cập các vấn đề vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành, trong đó có một số nguyên nhân như: ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn; ý kiến của nhà tài trợ trong xử lý, triển khai dự án chậm; vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ khu vực các nước có dịch Covid-19 bị ách tắc dẫn đến ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng có các nguyên nhân chủ quan như: dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán.
Dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở (chủ yếu là các dự án giao thông).
Quan trọng nhất vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài mới chỉ đạt hơn 7% là rất thấp. Việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài giải ngân tốt thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và giúp thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao. Do đó, việc giải ngân nguồn vốn này đạt thấp là vấn đề rất quan ngại.
“Các dự án chưa hoàn thành được bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa tổ chức đấu thấu, chưa ký hợp đồng… Nếu như công tác triển khai thực hiện dự án mà không triển khai được các công việc này thì làm sao có khối lượng hoàn thành để thanh toán được. Đây là trách nhiệm của các Ban quản lý dự án, và cũng có vai trò trách nhiệm của các cơ quan chủ quản dự án trong việc chỉ đạo thực hiện”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chỉ rõ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. Theo đó, phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án, hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai về giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng để ghi thu ghi chi…
“Cần có chỉ đạo triển khai rất quyết liệt, kiểm tra, giám sát, có gì khó khăn, vướng mắc phải liên hệ với các bộ, ngành để giải quyết kịp thời. Đối với sự chậm trễ của các nhà tài trợ trong ý kiến không phản đối, cần phản ánh với các nhà tài trợ để có giải quyết phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về tăng cường giải ngân rút vốn, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thực hiện theo đúng chế độ quy định. Các hồ sơ thanh toán trước, kiểm soát sau thì thực hiện trong 1 ngày làm việc, còn đối với những hồ sơ kiểm soát chi thì thực hiện theo đúng chế độ quy định tối đa không quá 3 ngày./.
Tác giả: Cẩm Tú
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy