Dòng sự kiện:
Giải ngân vốn ODA ở Thanh Hóa: 'Không để tình trạng có tiền mà không tiêu được'
30/10/2020 13:28:01
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân vốn ODA. Không để tâm lý “sống chết mặc bay”, “cù lì” của người đứng đầu tồn tại.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến ngày 29/10 với Chính phủ về tình hình giải ngân vốn ODA, tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát cho địa phương này từ ngân sách Trung ương năm 2020 là 608,013 tỷ đồng, trong đó vốn từ năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 144,513 tỷ đồng; còn lại 463,5 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg, ngày 29/ 11/ 2019.

Nguồn vốn được triển khai 13 dự án thuộc nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 26/10, tỉnh đã giải ngân được 242,109 tỷ đồng, đạt 40% kế hạch vốn được giao. Như vậy, tình hình giải ngân vốn ODA vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Chính Phủ)

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa nhận định, nguyên nhân khiến tình hình giải ngân vốn ODA trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn chậm, là do sự chồng chéo, bất cập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật; một số dự án chưa ký hợp đồng vay lại vốn ODA; khác biệt về trình tự, thủ tục, chính sách của Việt Nam và nhà tài trợ về đấu thầu, giải phóng mặt bằng và tái định cư, quy trình thủ tục giải ngân…

Bên cạnh đó, ngành chức năng còn thiếu quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo thực hiện của các chủ đầu tư; công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án và công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án, không có khối lượng để giải ngân vốn; năng lực, của một số cán bộ trong xử lý hồ sơ, tham mưu giải quyết vướng mắc cho các dự án còn hạn chế…

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thừa nhận những khó khăn tồn tại trong giải ngân vốn ODA. Ông Xứng nói, đến nay tỉnh có tiến độ giải ngân được hơn 40% kế hoạch năm, tỷ lệ dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 80%. Như vậy, còn khoảng 20% vốn không thể giải ngân theo đúng kế hoạch.

Hiện nay có 3 dự án đang có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết với khoảng 96 tỷ đồng cần giải ngân; trong đó có 2 dự án do vướng mắc các thủ tục theo yêu cầu với nước ngoài và tình hình dịch Covid-19. Ngoài ra, 1 dự án chậm giải ngân chủ yếu do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở ngành liên quan không báo cáo, đề xuất tỉnh trong huy động vốn đối ứng.

Đầu cầu hội nghị trực tuyến tại Thanh Hóa 

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ODA là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Về những khó khăn và nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn ODA còn chậm, Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phải kiểm tra thường xuyên, kịp thời đưa ra hướng giải quyết. Các bộ ngành Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, có cách huy động bài bản hơn, khả thi hơn nhằm thu hút thêm nhiều nguồn vốn ODA hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân vốn ODA. Không để tâm lý "sống chết mặc bay", "cù lì" của người đứng đầu tồn tại. Phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án, có giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay, "không chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được".

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về dự án (triển khai thủ tục, ký hợp đồng, thi công đảm bảo tiến độ), đồng thời phối hợp với địa phương về công tác GPMB, vốn đối ứng. Bên cạnh đó, lưu ý phải đấu mối chặt chẽ để giải quyết vấn đề GPMB và vốn đối ứng.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động báo cáo các vấn đề vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ cho chủ đầu tư. Giao Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp nghiên cứu, tham mưu nguồn kinh phí bổ sung cho vốn đối ứng ODA còn thiếu.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến