Theo NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 6/2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam ở mức 11,2%
Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp sẽ tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” vào lúc 13h30' ngày 26/8/2020 tại Hà Nội.
Thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến
Trong những tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng rất mạnh do người dân lo ngại dịch dịch COVID-19 nên hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên xét trong cả một quá trình dài, thì mức độ cải thiện trong thanh toán không dùng tiền mặt là khá chậm. Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và xuống 8% vào cuối năm 2025. Thế nhưng theo NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 6/2020, tỷ trọng này vẫn ở mức 11,2%.
Thậm chí theo giới chuyên gia, con số trên 11% thanh toán dùng tiền mặt hiện nay có vẻ như không phản ánh được thực trạng sử dụng tiền mặt vốn được nhìn nhận vẫn còn hết sức phổ biến, và nếu sử dụng thước đo số lượt giao dịch thay cho giá trị giao dịch thì tỷ lệ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn ở mức rất cao.
TS.Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, mặc dù đạt kết quả tích cực, nhưng so với các nước cùng khu vực, Việt Nam vẫn còn đi chậm hơn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. “Chúng tôi đã khảo sát tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thanh toán dùng tiền mặt tuy có giảm hơn so với trước đây, nhưng chưa có bước đột phá. Còn tại khu vực buôn bán lẻ từ ngoại thành vào thành phố, hộ gia đình, tiểu thương nhất là ở nông thôn…, hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều”, ông dẫn chứng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, có nhiều lý do khiến thanh toán bằng tiền mặt vẫn phổ biến như thói quen của người dân. Bên cạnh đó, do thu nhập của người dân còn thấp, nên họ phải phân nguồn thu nhập ra rất nhiều món để chi tiêu hàng ngày, hệ quả là họ cảm thấy khá bất tiện khi phải sử dụng nhiều phương tiện thanh toán khác nhau… Thế nhưng nguyên nhân lớn nhất, đó là nền kinh tế phi chính thức hoạt động khá lớn. “Có thể thấy thực tế, doanh nghiệp, người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ rất ngại sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi làm như vậy không giấu được doanh thu, đồng nghĩa họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn. Do đó, họ vẫn lựa chọn hình thức thanh toán truyền thống để trốn được thuế…”,TS. Nghĩa cho biết.
Cách nào để thúc đẩy?
Cũng có chung quan điểm như TS. Nghĩa, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho biết, đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, thì việc thanh toán tiền mặt là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng có thể che giấu doanh thu, không kê khai, tính và nộp thuế cho Nhà nước. Đối với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác, thanh toán không dùng tiền mặt tạo cơ hội để một số doanh nghiệp hạch toán và kê khai tính thuế theo giá bán thấp hơn giá trị thực bán nhằm trốn thuế.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 quy định đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được xem là đủ điều kiện được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Lê Xuân Trường, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm được cách để lách luật, như chia nhỏ khoản mua hàng lớn ra thành nhiều khoản mua nhỏ trong nhiều ngày khác nhau, hay mua bán hóa đơn khống để trốn thuế…
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận việc các doanh nghiệp phải trả phí thanh toán qua POS đã khiến cho họ không mấy mặn mà với hình thức thanh toán này. Ngoài ra cũng có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp ngại thanh toán điện tử vì lý do “tâm lý”. “Khi thanh toán online phải dùng chữ ký số, việc chia sẻ chữ ký số với những cá nhân, bộ phận liên quan khá nhạy cảm và tiềm ẩn rủi ro so với chữ ký “sống” do khi trực tiếp ký, tôi sẽ kiểm soát được đã chi những khoản gì, số tiền bao nhiêu”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.
Vì lẽ đó, theo các chuyên gia, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng cần phát triển thêm các hình thức thanh toán hiện đại, đặc biệt là thanh toán di động để phục vụ cho các khoản thanh toán nhỏ lẻ của người dân. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng cần giảm phí xuống mức hợp lý để khuyến khích thanh toán không tiền mặt.
Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng, Chính phủ cũng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định rõ những lĩnh vực nào không được thanh toán bằng tiền mặt, đi kèm với đó là chế tài xử phạt nghiêm cho những hành vi vi phạm. Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt, như giảm trừ cho các khoản thanh toán không dùng tiền mặt…
Các bộ ngành liên quan cũng cần vào cuộc tích cực hơn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt bởi theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), điểm nghẽn lớn nhất trong thanh toán phi tiền mặt đó chính là từ các bộ, ngành trong việc tự động hóa, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, nên cần sớm có giải pháp xử lý. Một giải pháp vô cùng quan trọng nữa là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về những lợi ích của xã hội không tiền mặt.
Tác giả: Hà Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy