Dòng sự kiện:
Giám đốc ADB: ‘Năm Nhâm Dần, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ’
01/02/2022 14:55:21
Giám đốc ADB cho rằng nền kinh tế của đất nước sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Theo ông, Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư xanh để tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - chuẩn bị đón cái Tết thứ hai tại Việt Nam. Đối với ông, Tết Nhâm Dần là một bước ngoặt quan trọng của đất nước.

Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 đầy biến động. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Jeffries cho rằng nền kinh tế của đất nước sẽ phục hồi tốt trong năm 2022, tiếp tục nỗ lực trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Theo giám đốc ADB, Việt Nam cần tăng sức chống chịu với những rủi ro bên ngoài như tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy đầu tư xanh, đồng thời tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho hậu cần và thương mại.


Việt Nam đã xuất siêu hơn 4 tỷ USD trong năm ngoái bất chấp những thách thức do dịch Covid-19.

Triển vọng tươi sáng

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022?

- Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2022. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. ADB cũng công bố báo cáo thường niên Triển vọng phát triển châu Á vào tháng 4 năm nay. Chúng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam có triển vọng tươi sáng với đà tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2021.

Những yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp, hoạt động xuất khẩu duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 4,08 tỷ USD bất chấp những thách thức do dịch Covid-19.

Kể từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh nhạy với hai gói hỗ trợ kết hợp các biện pháp tài chính và tiền tệ. Việc quản lý nợ và chi tiêu tạo dư địa cho Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ thứ ba trị giá 350.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD, vừa được Quốc hội thông qua.

Việc đưa ra các gói hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả sẽ giúp đảm bảo quá trình phục hồi vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.


Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng và các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế tiên tiến bắt đầu thắt chặt các chính sách tiền tệ và tài khóa?

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa hạ dự báo tăng trưởng đối với Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu - và nền kinh tế toàn cầu nói chung xuống còn 4,4%. Biến thể Omicron lan rộng buộc nhiều quốc gia phải tái áp dụng những hạn chế di chuyển mới, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn nguồn cung.

Nhu cầu thương mại toàn cầu sụt giảm có tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu.

Nhưng trên thực tế, phản ứng chính sách của các nền kinh tế tiên tiến đang thay đổi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cân nhắc nâng lãi suất vào năm 2022 và điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến. Liên minh châu Âu có thể không tăng lãi suất trong năm nay, Trung Quốc thậm chí còn nới lỏng các chính sách tiền tệ.

Các phản ứng chính sách tiền tệ khác nhau cho thấy những tác động khác nhau của dịch Covid-19 đối với từng khu vực, từng quốc gia, cũng như các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh doanh và quá trình phục hồi kinh tế ở mỗi nơi.

Tất cả những yếu tố trên khiến quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trở nên thiếu chắc chắn. Nhưng tôi tin rằng tình hình chung trong năm 2022 vẫn tươi sáng hơn năm 2021.

Riêng Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên toàn cầu. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong năm 2021, nhưng vẫn nhanh hơn những quốc gia, khu vực khác và đủ sức chống chịu các "cơn bão" bên ngoài.

- Ông bình luận thế nào về việc các thị trường chứng khoán trên thế giới lao dốc mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gửi đi tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ?

- Các thị trường chứng khoán đã hoạt động tốt trong vài năm qua, nhất là ở những nền kinh tế như Mỹ và Liên minh châu Âu. Do đó, mối lo ngại về việc nền kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng đã gây ra rất nhiều biến động trên thị trường chứng khoán.

Còn quá sớm để khẳng định xem thị trường chứng khoán sẽ biến động ra sao trong năm 2022. Nhưng theo tôi, thị trường có thể đi lên vào ngày hôm trước, rồi lao dốc ngay ngày hôm sau bởi tình trạng không chắc chắn.

Thúc đẩy đầu tư xanh

- Theo ông, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và đình lạm của nền kinh tế thế giới?

- Như tôi đã bình luận ở trên, Việt Nam có rất nhiều đối tác thương mại trên toàn cầu. Hoạt động thương mại của đất nước vẫn rất mạnh mẽ và sôi nổi ngay cả trong một năm khó khăn như năm 2021. Việt Nam đã xuất siêu hơn 4 tỷ USD trong năm ngoái, thương mại và xuất khẩu sẽ là động lực chính của nền kinh tế.

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng ảnh hưởng tới các nước châu Á đang phát triển ít hơn những khu vực tiên tiến khác trên thế giới, áp lực lạm phát do đó cũng không nặng nề bằng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Dĩ nhiên, các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhưng chúng tôi vẫn cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tốt.

- Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh phục hồi từ những ảnh hưởng của đại dịch?

- Gói hỗ trợ kinh tế mới được Quốc hội thông qua, việc giải ngân nhanh chóng, hiệu quả các khoản chi tiêu và đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế phục hồi trong ngắn hạn.

Một mặt, Việt Nam cần kiểm soát những rủi ro từ bên ngoài, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho hậu cần và thương mại. Bởi đó là một phần quan trọng trong tương lai của Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Nhưng về trung và dài hạn, Việt Nam đang phấn đấu trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng.

Chẳng hạn, bạn vừa nhắc tới tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Một mặt, Việt Nam cần kiểm soát những rủi ro từ bên ngoài, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho hậu cần và thương mại. Bởi đó là một phần quan trọng trong tương lai của Việt Nam.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước không rơi vào tình trạng tắc nghẽn là rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng trong dài hạn của đất nước.

Việt Nam cũng nên tạo ra môi trường pháp lý thúc đẩy đầu tư tư nhân nhiều hơn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước đều là hai động lực quan trọng để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Một lĩnh vực quan trọng khác là biến đổi khí hậu. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Do đó, cơ sở hạ tầng cần được thiết kế để chống chịu với khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến toàn thế giới và mỗi quốc gia đều cần làm công việc của mình. Nhưng với Việt Nam, sứ mệnh này còn lớn hơn thế, bởi nó có thể trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định cam kết của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050.

Việc duy trì lượng khí thải carbon ở mức thấp là rất quan trọng với Việt Nam. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nước ngoài đang chịu sức ép lớn về giảm phát thải khí carbon. Nếu tại Việt Nam, họ có thể tiếp cận năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon, những doanh nghiệp này sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến toàn thế giới và mỗi quốc gia đều cần làm công việc của mình. Nhưng với Việt Nam, sứ mệnh này còn lớn hơn thế, bởi nó có thể trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Vì vậy, những quyết định đầu tư có thể chịu ảnh hưởng một phần bởi nỗ lực giảm phát thải khí carbon của Việt Nam. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu địa phương, những mặt hàng sản xuất sẽ được đo lường "dấu chân carbon" (tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ) chặt chẽ hơn.

Do đó, điều này có thể ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam. Việc đầu tư vào một tương lai không carbon sẽ tốn kém, nhưng nó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong những bộ phận đổi mới và công nghệ cao của nền kinh tế.

Đầu tư xanh sẽ tạo ra cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.

- Theo ông, Việt Nam đã có được những bài học gì từ năm 2021 đầy thăng trầm?

- Tôi nghĩ rằng bài học quan trọng nhất mà Việt Nam học được là tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều người lao động đã mất việc làm và giảm thu nhập. Nhưng khi càng nhiều người dân được tiêm chủng, ảnh hưởng về sức khỏe của virus càng giảm, sức chống chịu của nền kinh tế và xã hội càng cao.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc đẩy mạnh tiêm chủng đại trà. Thế giới đang học cách sống chung với virus và chấm dứt đại dịch. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch, phục hồi nền kinh tế và trở thành điểm sáng đầu tư cho những nhà đầu tư nước ngoài.

- Năm Nhâm Dần đang tới rất gần, ấn tượng của ông về dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam thế nào, thưa ông?

- Đây sẽ là kỳ nghỉ Tết thứ hai của tôi ở Việt Nam. Với tôi, Tết là một khoảng thời gian rất đặc biệt.

Các gia đình sẽ quây quần bên nhau những ngày đầu năm Âm lịch. Bạn bè cũng gặp gỡ, tụ họp nhau vào các ngày sau đó. Tôi thấy ấm áp và hạnh phúc khi được đón Tết cổ truyền ở Việt Nam.

- Ông đã có kế hoạch gì trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ở Việt Nam chưa?

- Năm nay cũng là một năm đặc biệt. Tôi và vợ đã lên kế hoạch đi du lịch, nhưng vẫn còn do dự vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Chúng tôi không muốn đến nơi nào quá đông đúc.

Có lẽ chúng tôi sẽ đến một nơi nào đó để tận hưởng kỳ nghỉ Tết trong khoảng ba đến bốn ngày.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến