Dòng sự kiện:
Giám đốc CDC Hà Giang đối mặt mức án cao nhất khi nhận hối lộ?
17/05/2022 19:20:26
Với hành vi nhận hối lộ số tiền lớn như vậy, giám đốc CDC Hà Giang và hai thuộc cấp sẽ có thể bị xử lý ra sao?

Nguyễn Trần Tuấn - GĐ CDC Hà Giang bị bắt tạm giam

Ngày 11/5, CQ CSĐT - CA tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang); khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can là GĐ, Trưởng khoa xét nghiệm và Kế toán trưởng CDC Hà Giang vì đã có hành vi nhận hối lộ, được quy định tại khoản 4, Điều 354 BLHS năm 2015.

Theo đó, 3 bị can là Nguyễn Trần Tuấn, SN 1971, GĐ CDC Hà Giang, thường trú Tổ 9 phường Minh Khai, TP Hà Giang; Phan Thị Nga, SN 1971, Trưởng khoa xét nghiệm CDC Hà Giang, thường trú tại tổ 9, phường Minh Khai, TP Hà Giang và Tô Minh Huệ, SN 1972, Kế toán trưởng CDC Hà Giang, thường trú tại tổ 13 phường Minh Khai, TP Hà Giang.

Theo tài liệu của CQ CSĐT - CA tỉnh Hà Giang, các bị can Nguyễn Trần Tuấn, Phan Thị Nga và Tô Minh Huệ đã nhận hối lộ của Cty CP Công nghệ Việt Á với số tiền hàng tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này cả 3 bị can đã nộp cho CQ CSĐT - CA tỉnh Hà Giang.

Trước đó, trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Trần Tuấn (GĐ), bà Phan Thị Nga (Trưởng khoa xét nghiệm) và bà Tô Minh Huệ (Kế toán trưởng) đã thừa nhận có nhận tiền mặt của Cty Việt Á, với tổng số tiền 770 triệu đồng.

Thông tin được nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Giang về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm... của CDC Hà Giang liên quan Cty CP Công nghệ Việt Á.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận lợi ích của tổ chức cá nhân và thực hiện công việc, nhiệm vụ, công vụ công theo yêu cầu của họ, bất kể nhiệm vụ công vụ đấy là đúng pháp luật hay không.

Ví dụ, nhận tiền để cho DN trúng thầu, vi phạm quy định về đấu thầu. Nhận tiền để phê duyệt dự án, giao dự án cho DN; nhận tiền để ký kết hợp đồng với DN; người có chức vụ quyền hạn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm đã nhận tiền để bỏ qua sai phạm của cá nhân, DN...

Theo luật sư Thái, tội “Nhận hối lộ” chỉ áp dụng với người có chức vụ quyền hạn và lợi ích nhận hối lộ ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Nếu là lợi ích vật chất, phải trị giá từ 2 triệu đồng trở lên mới được coi là phạm tội.

Người phạm tội “Nhận hối lộ” thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.

Không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn thực hiện được hành vi phạm tội.

Tội danh này có 4 khung hình phạt. Khung 1 (khoản 1) là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Khung 2 (khoản 2) là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; Khung 3 (khoản 3) là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; Khung 4 (khoản 4) phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung.

Từ phân tích trên, luật sư Thái cho biết, theo thông tin từ phía CQĐT, những người trên bị khởi tố, bắt tạm giam theo khoản 4, Điều 354, BLHS năm 2015. Khoản này có mức phạt là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, sau khi kết thúc quá trình điều tra, GĐ và hai thuộc cấp ở CDC Hà Giang vẫn bị truy tố về tội Nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015 thì có thể phải đối mặt với khung hình phạt như trên.

Tác giả: Thái An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến