Ngân hàng dành hàng trăm nghìn tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho khách hàng. (Ảnh: Vietnam+)
Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đã có thêm một đợt điều chỉnh hạ lãi suất huy động một lần nữa đồng thời một loạt ngân hàng đã tung ra các gói vay ưu đãi cho khách hàng nhằm kích cầu tín dụng.
Nhiều chương trình cho vay ưu đãi "khủng"
Trong những ngày qua, lãi suất huy động đã nhanh chóng hạ nhiệt từ 1%-2%/năm. Phần lớn các ngân hàng thương mại đều niêm yết lãi suất cao nhất 8%-9%/năm, một số đơn vị còn niêm yết lãi suất dưới 8%.
Những đơn vị giảm lãi suất gần đây nhất gồm: VPBank, VIB, Sacombank, SHB, HDBank, VietABank, Oceanbank, PVCombank, VietBank, PGBank, Viet Capital Bank, NCB, Kienlongbank, DongABank, Saigonbank. Hiện chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất trên 9%/năm gồm ABBank (9,1%/năm) và SCB (9%/năm).
Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, khi có thời điểm lãi suất lên tới 12% một năm, thì lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất những ngày gần đây cũng giảm khá mạnh do thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn khoảng 1,14%/năm; 1-2 tuần còn khoảng 1,5%-2,4%/năm, 1 tháng còn 4,4%/năm, 3 tháng còn 6,74%/năm, 6 tháng còn 8,1%/năm. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2022.
Giảm lãi suất huy động được xem là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể giảm chi phí, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sau loạt chỉ đạo phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là động thái giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã liên tiếp công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Điển hình là 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank vừa tung ra các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường...
Cụ thể, Agribank hiện triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Tiếp đến, Vietcombank cũng dành 100.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5% cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi; VietinBank cũng công bố ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7,1% nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất kinh doanh cho khách hàng cá nhân và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng; BIDV triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Không chỉ riêng 4 ngân hàng lớn, các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng được triển khai tại nhiều ngân hàng thương mại khác.
Mới đây, BacABank cho biết dành 5.000 tỷ đồng để tiếp sức kinh doanh đối với khách hàng cá nhân. Lãi suất cho vay tại chương trình này sẽ được giảm từ 0,3%-0,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực; VIB cũng công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ; OCB cũng dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn với mức lãi suất giảm đến 2% so với thông thường.
Chuyên gia Cấn Văn Lực dự báo xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành.
"Lãi suất cả đầu vào đầu ra từ đầu năm tới giờ đã giảm 1%-2%. Tôi kỳ vọng lãi suất có thể giảm tiếp 0,5%-1%/năm nữa, quay trở lại mặt bằng lãi suất trước khi tăng lãi suất cuối năm vừa qua," ông Lực nhấn mạnh.
Áp lực lãi suất vẫn còn
Nhiều ngân hàng cũng cho biết đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Bà Võ Thị Bích Hạnh-Chủ sơ sở bánh tráng Thành Danh, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã được vay ưu đãi 1,2 tỷ đồng thông qua chương trình Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp của thành phố. Với lãi suất vay ưu đãi chỉ 6%/năm, giảm được 2% so với khoản vay thông thường, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, hoàn thiện sản xuất để đưa sản phẩm bánh tráng ra thị trường cả nước.
“Nếu không mạnh dạn đầu tư thì không thể tiếp cận được với máy móc hiện đại ngày nay vì hiện lãi suất đang ở mức tương đối hợp lý nên tôi mạnh dạn đầu tư để phục vụ khách hàng 63 tỉnh thành,” bà Hạnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào cũng được may mắn như cơ sở của bà Hạnh, nhiều khách hàng muốn vay nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp phản ánh dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm các mức lãi suất điều hành nhưng đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay vẫn chưa được điều chỉnh như mong muốn và còn duy trì ở mức cao. Mốt số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay về mức 7,1% nhưng đều chặt chẽ, doanh nghiệp khó tiếp cận được.
Giải đáp vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay chắc chắn sẽ giảm nhưng không ngay lập tức mà có độ trễ nhất định, bởi bản thân các ngân hàng vừa qua đã huy động vốn ở mức lãi suất cao. Vì vậy, phải sang quý sau thì mặt bằng lãi suất mới giảm rõ nét.
Theo kết quả khảo sát hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng Hai thì có 83% đơn vị đang gặp khó khăn. Cụ thể, có 43% doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian.
Mặc dù động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp nhưng giới chuyên gia cho rằng động thái này đã đem lại tín hiệu rất tích cực cho cả nền kinh tế. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề để tất cả các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới không chỉ lĩnh vực ưu tiên, mà sẽ lan toả đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy