Giảm lệ thuộc thị trường Trung Quốc: 'Hoạ phúc không phải chuyện một ngày'
23/09/2014 14:20:36
Ts. Lê Đăng Doanh: Có nhiều biểu hiện cho thấy Trung Quốc sẽ tìm cách buộc các quốc gia khác phụ thuộc họ về kinh tế và từ đó sẽ phụ thuộc các vấn đề khác.
 

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương đã chia sẻ như vậy trước nhận định của GS Christopher Hughes, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London rằng: trên bình diện toàn cầu ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại trước sự trỗi dậy của TQ. Trong đó chiến lược thường thấy của TQ là sử dụng kinh tế như một công cụ trong việc tác động đến các quốc gia khác.
 
Việt Nam nên nhìn vấn đề như một bài học
 
PV: -Thưa ông mới đây tại Hội thảo “Các đường hướng của TQ trong quan hệ với ASEAN và Việt Nam” GS Christopher Hughes, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London có đưa ra nhận định trên bình diện toàn cầu ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại trước sự trỗi dậy của TQ. Trong đó chiến lược thường thấy của TQ là sử dụng kinh tế như một công cụ trong việc tác động đến các quốc gia khác. TQ sẽ tìm cách buộc các quốc gia khác phụ thuộc họ về kinh tế và từ đó sẽ phụ thuộc các vấn đề khác. Ông bình luận gì về nhận định này? Soi chiếu về Việt Nam, các học giả quốc tế đã nhận định thế nào?
 
TS Lê Đăng Doanh: - Rõ ràng nhận định này là có cơ sở và tôi cũng đồng tình.TQ hiện là một trong những quốc gia Việt Nam nhập siêu lớn nhất và sự lệ thuộc này ngày càng nhiều, trong 3 năm qua, xuất khẩu của VN sang TQ chỉ tăng khoảng 800 triệu đô la, nhưng nhập khẩu lại tăng từ 3 đến 3,5 tỉ đô la mỗi năm.
 
Tại nhiều quốc gia, Trung Quốc xây dựng các công trường, trụ sợ, tổ chức này tổ chức khác lấy lòng các lãnh đạo nhưng trên cơ sở như vậy Trung Quốc dần dần có quyền sử dụng một diện tích đất rất lớn để canh tác nông nghiệp rồi khai thác mỏ, rồi có quyền xây dựng, thậm chí mua lại các công ty lớn của quốc gia đó để có cư hội thâm nhập.
 
Khi tạo ra được sự phụ thuộc một chiều của nước kia vào Trung Quốc thì khi đó họ mới đặt điều kiện. Điều này đang diễn ra với khắp các nước tạo nên mối lo ngại thực sự.
 
Đây là nhận định chung nhưng đối với Việt Nam thì cũng là bài học cần xem xét một cách kỹ lưỡng.
 
PV: - Giáo sư Hughes còn cho rằng với các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với TQ, công cụ này sẽ được sử dụng triệt để và đây sẽ là vấn đề cho Việt Nam khi giải quyết vấn đề chủ quyền với TQ. Ông có đồng tình với nhận định này không và vì sao?
 
TS Lê Đăng Doanh:
- Đúng là việc này Trung Quốc làm rất rõ. Ngay như mới đây khi ông Tập Cận Bình sang Ấn Độ đã đưa ra một con số đầu tư rất lớn đối với Ấn Độ để gây ảnh hưởng cũng như tạo sự hài lòng đối với lãnh đạo nước này.
 
Còn đối với Việt Nam thì biểu hiện khá rõ về sự phụ thuộc các nguồn cung cấp từ dệt may, da giày cũng như hiện nay có rất nhiều các nhà thầu Trung Quốc đang thi công ở Việt Nam.
 
Từ sự phụ thuộc này cho thấy nếu như Việt Nam có gì đó làm Trung Quốc không hài lòng, ví dụ như việc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam, rồi đơn phương áp đặt đường 9 đoạn trên Biển Đông... thì rất có thể Trung Quốc sẽ dùng công cụ kinh tế tạo áp lực.
 
Trên thực tế thời gian qua họ cũng đã sử dụng công cụ này qua việc họ đình chỉ nhập một số mặt hàng rồi ngưng không cho khách du lịch sang... Đây phải dược coi là những động thái minh chứng.
 
Phải có giải pháp ứng phó


 

Gần như năm nào cũng xảy ra tình trạng dãy dài xe tải chở dưa hấu kẹt cứng ở cửa khẩu, dẫn đến hỏng, thối phải bỏ đi (Ảnh: Internet)


PV: - Vâng, thưa ông nhưng sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã nhìn ra hệ lụy của việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và đặt ra vấn đề phải tìm kiếm những thị trường mới.
 
Tuy nhiên, số liệu thống kê vẫn chứng tỏ, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn rất cao. Nhìn ở khía cạnh xuất khẩu, việc hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc khiến nhiều ngành quan trọng ở Việt Nam điêu đứng (cao su là ví dụ điển hình).
 
Đâu là nguyên nhân của tình trạng, quyết tâm không đi đôi với thực tế nói trên? Qua đó, có thể thấy sự khó khăn trong việc giảm lệ thuộc từ Trung Quốc như thế nào và vì sao?
 
TS Lê Đăng Doanh:
- Việc tìm kiếm thị trường mới để giảm lệ thuộc đối với thị trường Trung Quốc không phải là việc của một ngày hay là 2-3 tháng.
 
Nguyễn Trãi đã từng nói 'họa phúc không phải là việc của một ngày", cho nên cần phải có đường hướng lâu dài. Việt Nam hiện đang phục thuộc vào nguồn nguyên liệu dệt may của Trung Quốc là bởi vì trình độ của Việt Nam hiện nay gia công là chủ yếu.
 
Trong khi đó các công ty đặt hàng ở Việt Nam chỉ định phải mua những mặt hàng vải, chỉ, cúc... của Trung Quốc cho nên buộc chúng ta phải mua. Còn nếu muốn không nhập nữa thì buộc phải nâng trình độ của mình lên để tự thiết kế, sản xuất vải... Mà để làm được điều này thì phải hàng năm, thậm chí nhiều hơn chứ không phải là ngày một ngày hai.
 
PV: - Trong những tháng vừa qua, theo quan sát của ông, doanh nghiệp thuộc khu vực nào, sản xuất ngành hàng nào nỗ lực hơn cả trong việc giảm phụ thuộc nói trên? Đó có phải là một lối thoát mà Việt Nam cần nhìn vào đó để điều chỉnh đường hướng, chính sách kinh tế hay không và cụ thể như thế nào, thưa ông?
 
TS Lê Đăng Doanh: - Tôi chưa có nghiên cứu chi tiết nên chưa thể có câu trả lời, song có thể nói sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp thời gian gần đây là đáng ghi nhận nhưng không nên quá nóng vội.
 
Như tôi đã nói đây không phải là công việc có thể làm trong ngày một ngày hai song vẫn phải làm.
 
Thậm chí cũng cần phải nghĩ rằng tới đây có thể còn có những hoạt động tạo áp lực nghiêm trọng hơn, cho nên chúng ta cần có những bước chuẩn bị và có biện pháp phòng ngừa, giải pháp ứng phó đối với những cách ứng xử như thế.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Đất Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến