Giảm phụ thuộc Trung Quốc: Khó khăn phải vượt qua
13/06/2014 11:23:02
Các doanh nghiệp ở TPHCM đang đối diện với thực tế khó khăn trong thương mại với Trung Quốc do tác động từ những căng thẳng trên biển Đông gần đây.

Các doanh nghiệp ở TPHCM đang đối diện với thực tế khó khăn trong thương mại với Trung Quốc do tác động từ những căng thẳng trên biển Đông gần đây. 

 

Kho kiểm hóa tại cửa khẩu Tân Thanh. Gần đây do tác động của tình hình chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực biển Đông làm cho sự chuyển động kinh doanh trên thị trường có vẻ chững lại, đây là cơ hội để đảo chiều phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: THANH TAO

 

Khả năng mất đối tác Trung Quốc

 

Nữ giám đốc một công ty nhỏ chuyên sản xuất bao bì, hộp giấy, cho biết ba ngày sau vụ công nhân lợi dụng biểu tình đập phá tài sản của doanh nghiệp ở Bình Dương, một khách hàng Trung Quốc tại đây thông báo ngưng nhận hàng từ công ty của bà. “Khi ấy tôi rất lo lắng vì vật tư đã chuẩn bị hết rồi”, bà nói. Bà cũng cho biết để trở thành người cung cấp hàng cho công ty Trung Quốc không dễ vì họ thường ưu tiên cho các nhà cung cấp người Hoa ngay cả khi công ty Việt Nam cung cấp hàng giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn.

 

Đáng mừng là, sau khi Chính phủ thông báo sẽ hỗ trợ, Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thống kê thiệt hại thì khách hàng này của bà lại thông báo sẽ nhận hàng như bình thường.

 

Tuy nhiên, nỗi lo của bà đang tăng lên bội phần với những thông tin mới nhận gần đây. Một nhân viên mua hàng là người Việt của công ty Trung Quốc nêu trên cho bà biết lãnh đạo công ty đang xem xét việc có nên tiếp tục mua hàng của các công ty Việt Nam hay không. Bên cạnh đó, vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6, nguồn cung nguyên vật liệu (Trung Quốc) cho công ty bà đã tăng giá bán lên mức “cao chưa từng thấy”. Vị giám đốc này cho biết bà có cảm giác như đối tác không muốn bán hàng cho công ty, vì những cách thức từng làm trước đây như cho khách hàng trả giá đã không được áp dụng lần này. Còn lý do tăng giá được họ đưa ra là do nhu cầu nội địa tại Trung Quốc đang tăng lên.

 

Ngoài ra, nếu trước đây, bên cung cấp vật liệu cho bà thanh toán theo hình thức đặt cọc trước sau đó được trả chậm phần còn lại, nay họ yêu cầu bà phải thanh toán hết khi nhận hàng. Bà cho biết những việc này là chưa từng có trong quan hệ làm ăn giữa hai bên khiến bà cảm thấy có gì đó không ổn.

 

Trước tình hình đó, bà đã thông báo đến các khách hàng về khả năng tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

 

Còn về lâu dài hơn, một mặt, công ty đang liên hệ với các đối tác Hàn Quốc cũ về khả năng đặt mua nguyên vật liệu, mặt khác, ráo riết tìm các nguồn thay thế từ châu Âu. Tuy nhiên, “giá vật liệu, như giấy, từ châu Âu quá cao, nên tôi chưa biết tình hình sắp tới sẽ thế nào, mọi thứ còn mù mờ lắm”, bà nói.

 

Bà cho biết thêm, bản thân từng doanh nghiệp hiện vẫn phải tự bơi, nhưng nhìn ở góc độ ngành, bà cho rằng cần sự hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ. Chẳng hạn qua thống kê, cơ quan hải quan có thể biết rõ tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu của từng ngành và mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, từ đó, các tham tán thương mại của Việt Nam ở các nước có thể cung cấp thông tin, kết nối đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

 

Xuất khẩu giảm, tìm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế

 

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, trong tháng 5 vừa qua, các khu vực biên giới Việt - Trung tăng cường mua gạo xuất tiểu ngạch từ Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp trong nước còn dè chừng, lo ngại rủi ro khi tình hình trở nên căng thẳng hơn nên không muốn bán.

 

Trao đổi với TBKTSG, bà Chi cho biết xuất khẩu gạo của cả nước năm tháng đầu năm nay vào khoảng 2,6 triệu tấn, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm đến 41%, và nếu so với tỷ lệ 32% của cả năm ngoái, việc ngưng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nếu diễn ra và tính cả những nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thì dự báo lượng gạo xuất khẩu năm nay cũng phải giảm không dưới 20%.

 

Về nỗ lực đa dạng thị trường, bà Chi nói tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM hồi đầu tuần này liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: “Chưa bao giờ các doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại như lúc này, bởi lâu nay chúng tôi toàn tự bơi và không đủ kinh phí cần thiết cho việc này, đã bỏ qua nhiều cơ hội bán gạo ra thế giới”.

 

Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM, doanh nghiệp nhựa đang phụ thuộc đến 90% vào máy móc Trung Quốc và 80% về nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ. Mặc dù vậy, ông cho rằng trong khó khăn cũng có phần cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phụ trợ sản xuất ống đồng, bảng nhựa... Nếu được ưu đãi thêm về thuế nữa thì họ càng có điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc.

 

Còn theo báo cáo của ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng tại cuộc họp đầu tuần này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ TPHCM sang Trung Quốc trong năm tháng đầu năm nay đạt gần 840 triệu đô la Mỹ, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chính như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt 275 triệu đô la Mỹ (giảm gần 30% so với cùng kỳ). Riêng gạo đạt gần 110 triệu đô la Mỹ (thị trường Trung Quốc chiếm 15,7% và giảm 4,6% so với cùng kỳ) và đây là mặt hàng có sự chuyển dịch thị trường mạnh trong năm 2014 (trước đây xuất khẩu tập trung sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia, nhưng hiện nay chuyển dịch mạnh sang thị trường Mỹ). Chỉ có hai mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh sang Trung Quốc là hàng rau quả đạt 98 triệu đô la Mỹ, tăng 116% so với cùng kỳ, và hàng dệt may đạt 56,2 triệu đô la Mỹ, tăng 76,3% so với cùng kỳ.

 

Đối với hàng rau quả, Trung Quốc vốn là thị trường trọng điểm (chiếm gần 50% lượng hàng xuất khẩu của TPHCM) nên nếu tình hình thương mại xấu đi thì dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là rau quả tươi. Ông Khoa cho biết theo số liệu của Bộ Công Thương, trái vải Việt Nam xuất sang Trung Quốc khoảng 50.000 tấn/năm nhưng hiện có dấu hiệu thương lái Trung Quốc dừng mua. Tuy nhiên, các thị trường tăng cường xuất khẩu các mặt hàng rau quả đang được nhắm đến gồm có Malaysia, Campuchia, Singapore - những quốc gia gần TPHCM về mặt địa lý, chi phí vận tải không cao.

 

Trong trường hợp bị ảnh hưởng tiêu cực, báo cáo của ông Khoa dự đoán trong sáu tháng cuối năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sẽ giảm 0,52%, tức giảm khoảng 160 triệu đô la Mỹ (dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu TPHCM năm 2014 đạt gần 30 tỉ đô la Mỹ). Dự báo khả năng xấu nhất là kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 giảm khoảng 1,03%, tức giảm 310 triệu đô la Mỹ.

 

Về nhập khẩu, TPHCM có khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất hàng gia công, lệ thuộc phần lớn nguyên liệu Trung Quốc, do vậy khả năng bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ trừ các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB thì mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong trường hợp xấu, có thể doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập nguyên liệu từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu có khả năng tăng 10-15% và thời gian nhập hàng cũng sẽ kéo dài hơn.

 

Đối với nguyên phụ liệu hàng dệt may, da giày, nếu chuyển sang nhập thị trường khác thì kim ngạch nhập từ Trung Quốc sẽ giảm 10%.

 

Ông Khoa đề xuất các doanh nghiệp hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn với Trung Quốc.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến