Dòng sự kiện:
Giám sát về bất động sản và nhà ở xã hội: Cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm
18/08/2023 06:45:46
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình triển khai giám sát về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH cần tránh việc không xác định được rõ trọng tâm, trọng điểm khi thời gian, lực lượng có hạn
 

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 17/8. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Trình bày Kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, tập trung giám sát các nội dung về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản.

Tiếp đó là công tác quy hoạch (liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản; tác động, ảnh hưởng của các quy hoạch đến sự phát triển của thị trường bất động sản; giám sát quy hoạch…).

Đồng thời, giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản (quy mô, số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động, giải thể, phá sản; năng lực tài chính; thực hiện các chính sách về thuế và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản); việc triển khai các dự án bất động sản; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; các loại hình bất động sản mới.

Các nội dung giám sát khác gồm: chuyển nhượng dự án bất động sản; các loại hình bất động sản mới; đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản; hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Ngoài ra còn có công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp nhận, thụ lý, điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản; tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn…

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội.

Cùng với đó, giám sát việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội...

Đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; và 12 địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Từ tháng 7 đến trước ngày 15/8/2024, Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2024.

Trong tháng 10 và tháng 11/2024, Đoàn giám sát trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 8.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trách nhiệm của đoàn giám sát về nội dung này rất lớn. Rút kinh nghiệm từ những cuộc giám sát trước, cần tránh việc không xác định được rõ trọng tâm, trọng điểm trong khi thời gian và lực lượng có hạn.

Với vấn đề nhà ở, Chủ tịch Quốc hội lấy thí dụ hiện nay vướng mắc nhất là có hay không có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thế nào?

Hay trong kinh doanh bất động sản, nếu muốn nói đến rủi ro là gì thì cần xem xét những điều cấm của luật sẽ rõ. Khi biết được rủi ro sẽ thấy được đâu là vấn đề trọng yếu khi giám sát.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu không xác định sớm từ đầu những vấn đề này sẽ “bơi trong một rừng số liệu”. Do đó phải có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề trọng yếu mà bắt buộc các đoàn, các tổ đi đâu kiểm tra cũng phải trả lời được những câu hỏi này.

 
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến tại phiên họp, nghiên cứu chọn lọc những vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm, tiếp cận vấn đề từ mục tiêu giám sát, mối liên hệ giữa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, nhất là các khó khăn, vướng mắc, bất cập của thị trường bất động sản hiện nay mà nhân dân quan tâm.

Đồng thời xác định những rủi ro, bất cập khác có liên quan; xác định rõ phương hướng giải quyết và yêu cầu các cơ quan hữu quan báo cáo làm rõ.

Theo: Nhân Dân
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến