Dòng sự kiện:
Gian lận điểm thi, xâm hại học sinh là những sự kiện giáo dục 'chấn động' năm 2018
24/12/2018 10:51:55
Gian lận điểm thi THPT quốc gia, Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua, Bạo lực học đường trong tình trạng "báo động đỏ"... là những sự kiện giáo dục dậy sóng năm 2018.

Bê bối công nhận chức danh giáo sư

"Chuyến tàu chót mang số hiệu 174" (Quyết định 174 về các vấn đề GS, PGS) đã gặp chao đảo ngay sau khi hội đồng chuyên môn công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn năm 2017 với con số cao kỷ lục là 1.226 người. Dư luận lập tức dấy lên nghi ngại kết quả không thực chất; đặc biệt là khi xuất hiện những cá nhân "ngoại hạng" (ngoài hoạt động chuyên môn là giảng dạy, nghiên cứu) như bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư huyện ủy, giám đốc…

Giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến. Ảnh: Lê Huyền

Ngay lập tức, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát lại hồ sơ các ứng viên. Công việc "vắt" qua cả Tết Nguyên Đán. Giữa "khoảng chờ" đó, trên mạng xã hội xôn xao về những bài báo khoa học của Bộ trưởng Giáo dục. Kết thúc đợt rà soát, có 41 hồ sơ đã không đủ điều kiện. Đặc biệt, hội đồng chuyên môn đã gác lại hồ sơ, chưa công nhận trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dù ban đầu đã lọt qua 3 "cửa" xét duyệt.

Đến giữa tháng 5, nghi vấn đạo văn của GS Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn lại nổi lên. GS Tồn bị tố đạo văn của học trò và đồng nghiệp. Tranh luận gay gắt nổ ra khi Chủ tịch hội đồng ngành khẳng định chuyện là có thật, còn GS Tồn ngỏ ý "tố" ngược Chủ tịch với lỗi tương tự. Sau nhiều cuộc họp, nghi án "đạo văn" này đến nay vẫn chưa có có hồi kết.

Cuối tháng 8, Thủ tướng đã ban hành quyết định mới về công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS với những cải tiến tích cực. Hiện tại, nhân sự của các hội đồng chức danh đang được tổ chức lại. Dư luận kỳ vọng những "chiếc ghế" của các hội đồng mới thực sự sẽ thuộc về những người tài tâm, biết cầm cân nảy mực, góp phần làm lành mạnh môi trường giáo dục bậc cao.

Gian lận điểm thi THPT quốc gia

Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi (ngày 11/7), dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục và Bộ Công an đã thành lập các tổ công tác đến địa phương xác minh. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài trắc nghiệm được nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95. Tại Sơn La và Hòa Bình, công an xác định điểm bài thi tự luận và trắc nghiệm bị can thiệp. Công an đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại ba tỉnh. 10 cán bộ bị khởi tố, trong đó có Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La.

Thủ tướng đã nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra sai phạm trong kỳ thi; yêu cầu chủ tịch tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận trách nhiệm, khẳng định tiếp tục thi THPT quốc gia, nhưng sẽ điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi được chính xác.

Bạo lực học đường trong tình trạng "báo động đỏ"

Bạo lực học đường hiện đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Bạo lực học đường không còn xảy ra giữa học sinh với học sinh mà nó còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh.

Đầu tháng 4, tại Hải Phòng một cô giáo trẻ đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng. 

Tháng 11, tại Quảng Bình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh) đã yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào má một nam sinh bởi em này nói tục. Trong bản tường trình, cô Thủy thừa nhận sai phạm, giải thích việc đặt ra hình phạt tát do áp lực thi đua. Lớp có 27 học sinh, đa số học lực trung bình, hay nghịch ngợm nên thường "đội sổ" của trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy

Ngày 26/11, sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục cùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án Hành hạ người khác xảy ra tại trường Duy Ninh.

Một trong những vụ việc chấn động là ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bị bắt vì hành vi lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam tại trường.

Đó là chưa kể tới các vụ bạo lực học đường khác như đánh trẻ mầm non ở Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM. Một vụ bạo hành tốn nhiều giấy mực khác là trường hợp cô giáo dạy toán ở TP.HCM lên lớp không nói gì trong 3 tháng với học sinh.

Không chỉ học sinh hứng chịu bạo lực thể xác và tinh thần, giáo viên cũng trở thành nạn nhân của phụ huynh. Tháng 3, một nữ giáo viên tiểu học tại huyện Bến Lức (Long An) phạt học sinh quỳ gối, bị phụ huynh đến trường phản ứng, gây sức ép xin lỗi. Phụ huynh này đã bắt cô giáo quỳ gối suốt 40 phút. Hay như vụ một phụ huynh ở Nghệ An cũng lao vào trường bắt cô giáo mầm non đang mang thai phải quỳ gối do nghi ngờ đánh con mình. Rồi vụ nam sinh Bến Tre nhục mạ và bóp cổ cô giáo trước mặt cả lớp; nam sinh Quảng Bình đâm thủng bụng thầy giáo. 

Lùm xùm sách đánh vần lớp 1 và sách giáo khoa độc quyền khép kín

Vào cuối tháng 8, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Cách đánh vần này được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).

Học sinh đọc thơ bằng cách chỉ vào những ô vuông, hình tròn gây “bão” mạng.

Một trong những yếu tố bị chỉ trích nhiều nhất và việc dùng các hình tròn, vuông, tam giác để đại diện cho tiếng. Nó nhanh chóng trở thành chủ đề chế ảnh, video. Nhiều người cho rằng đây là cách đánh vần cải cách theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin sai lệch này khiến nhiều phụ huynh tức giận khi cho rằng Bộ GD&ĐT đang âm thầm đưa cách dạy này vào các trường học.

Tranh cãi bùng nổ dữ dội trên mạng xã hội đi xa với những suy diễn méo mó như âm mưu phá hoại văn hóa Việt Nam, hay ý đồ thay đổi chữ viết....dù Bộ GD-ĐT đã ra sức giải thích đây là một giải pháp sư phạm được chấp thuận trong nhà trường, và thực tiễn đã chứng minh bằng sự thành công của các thế hệ học trò theo cách dạy này trong 40 năm qua.

Trong khi trên diễn đàn mạng xã hội tưng bừng "phiên phán xử" CNGD thì tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu liên tiếp đặt vấn đề về bất cập của SGK hiện hành. "Điểm nhấn" tái xuất nhiều nhất là chỉ trích việc làm SGK của NXB Giáo dục Việt Nam gây lãng phí "ngàn tỷ". Sau những thanh minh và phản biện về con số lỗ, lãi của NXB; vấn đề đáng quan tâm hơn cả là hiện tượng độc quyền khép kín của ngành giáo dục trong chuyện làm SGK sẽ giải quyết như thế nào.

Dự thảo xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm bị phản ứng

Ngày 29/10, Bộ Giáo dục công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11.

Ban soạn thảo đề xuất khung kỷ luật với học sinh, sinh viên vi phạm quy chế, từ hành vi nhỏ nhất như đi học muộn, làm việc riêng trong giờ học; đến các sai phạm lớn hơn như tàng trữ sử dụng ma tuý, mại dâm. Với hoạt động mại dâm, nếu sinh viên vi phạm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học.

Nhiều luật gia, chuyên gia giáo dục cho rằng quy định trên không phù hợp, nhất là với sinh viên ngành sư phạm. Vì hành vi mua bán dâm bị pháp luật nghiêm cấm, khi vi phạm cần xử lý nghiêm khắc ngay, không nên tính số lần.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị "lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất". Trang web của Bộ Giáo dục ngay sau đó gỡ dự thảo.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua

Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ 1/7/2019. Chính sách lớn nhất được sửa đổi là mở rộng và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cơ chế tự chủ cao từ gói gọn trong 5 đại học và 23 trường thí điểm sẽ mở rộng cho tất cả cơ sở giáo dục đại học.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi giảm đáng kể thời gian thủ tục hành chính. Ví dụ, trước đây các trường phải báo cáo, đăng ký, đợi sự cho phép của cơ quan nhà nước mới được mở ngành đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Khi Luật mới có hiệu lực, trường được quyết ngay khi có đủ điều kiện.

Một số chính sách mới khác là đổi mới quản trị đại học, kiện toàn Hội đồng trường. Theo Luật, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như chủ trương đầu tư lớn.

Luật mới khuyến khích các trường có tiềm lực sáp nhập thành đại học lớn, hoặc một số trường cùng nhóm ngành/địa phương kết với nhau thành đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Với cơ chế đó, các trường cũng có thể hỗ trợ, cộng lực nhau trong phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của đại học Việt Nam với thế giới. Ngoài ra, Luật cho phép hệ thống đại học tư thục được phát triển bình đẳng, gần như là toàn bộ với trường công lập, đặc biệt là về chuyên môn.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến