Dòng sự kiện:
Gian nan chuyện đòi nợ bảo hiểm xã hội cho công nhân ở Thanh Hóa
02/04/2021 13:42:58
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chây ì, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội kên tới hàng trăm tỷ đồng, cơ quan chức năng cho biết cũng ở trong thế khó.

Doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 3/2021, Thanh Hóa có 1.609 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền 349 tỷ đồng.

Trong số đó, có 337 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động…). Điển hình nợ kéo dài, chây ì nhất như: Công ty HanCorp.2 nợ 34 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 5 nợ 13 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Licogi nợ 9,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng số 5 nợ 12 tỷ đồng...

Nhiều năm qua, người lao động thuộc các doanh nghiệp trên không được hưởng quyền lợi bảo hiểm, khám chữa bệnh không được chế độ BHYT, không được chi trả các phúc lợi xã hội như ốm đau, thai sản...

Đơn cử như tại Công ty HanCorp.2, địa chỉ tại phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, gần 100 công nhân của đơn vị này những năm qua đã nhiều lần kiến nghị, gõ cửa cầu cứu đến các cơ quan chức năng trong tỉnh và cả lãnh đạo Bộ xây dựng. Thế nhưng, sự việc vẫn chưa có kết quả.

Công ty Hancorp.2 chây ì BHXH nhiều năm qua

Là một trong số lao động bị nợ bảo hiểm xã hội lâu năm của công ty, anh Lê Xuân Trường, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, dù theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tổng công ty xây dựng Hà Nội và Công ty Hancorp.2 phải giải quyết cho 92 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng cuối cùng họ vẫn chây ì.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Bá Hội, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trên địa bàn còn có tình trạng một số doanh nghiệp có trụ sở đóng ở tỉnh ngoài nhưng tham gia đóng BHXH ở Thanh Hóa để đóng BHXH, BHYT với lương tối thiểu vùng thấp hơn, rất khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc thu nợ".

Theo đó, có một số đơn vị nợ nhiều, như: Công ty Cổ phần xây dựng số 5 (trụ sở TP Hà Nội); Công ty TNHH Thương mại xi măng Công Thanh (trụ sở tại TP Đà Nẵng); Công ty cổ phần Sông Đà 4 (trụ sở TP Hà Nội)…

Ngoài ra, ông Hội còn cho rằng, có tình trạng một số doanh nghiệp dù không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, nợ số tiền BHXH lớn nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể, phá sản nên không có cơ sở khoanh nợ. Vì thế vẫn phát sinh tiền lãi, số nợ đóng bảo hiểm càng tăng gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện chế độ cho người lao động.

Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã chuyển 19 hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, nhưng chưa có kết quả quá trình xử lý.

Ngành chức năng "bất lực"

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa thứ 14, khóa XVII tháng 12/2020, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, Thanh Hóa nằm trong số 20 tỉnh có tỉ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN cao so bình quân trung cả nước.

"Một số doanh nghiệp thật sự khó khăn, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình lách luật, không chấp hành đúng nghĩa vụ thu nộp BHXH cho người lao động dẫn đến nợ đọng dây dưa kéo dài nhiều năm tập trung chủ yếu là các doanh nhà nước trước đây sang công ty cổ phần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động", ông Tám nhận định.

Nói về vấn đề nợ đọng BHXH của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù cơ quan này đã chuyển 19 hồ sơ sang tòa án khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, thế nhưng đều bị trả về với lý do tư cách khởi kiện chưa phù hợp.

Ông Tuấn lý giải, luật quy định việc khởi kiện phải do đại diện công đoàn cơ sở đứng ra đại diện cho công nhân. Thực tế, đại diện công đoàn cơ sở lại là người làm công và được ông chủ trả lương nên không khả thi. Trong khi đó, người lao động có tâm lý ngại va chạm, sợ mất việc nên cũng không dám đứng ra khởi kiện. Do đó, việc đòi nợ BHXH cho người lao động rất bế tắc.

"Cần phải có cơ chế tháo gỡ bế tắc bằng cách cho phép công đoàn cấp trên được quyền đại diện hợp pháp mà không phải ủy quyền", ông Tuấn đề xuất.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quả, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhận định, vấn đề nợ BHXH tồn tại đã lâu, không phải bây giờ mới nói.

"Nếu không xử lý nghiêm thì hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và tỉnh. Đề nghị Sở Kế hoạch tiếp thu và đưa ra giải pháp cụ thể. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp nghiêm khắc, xử lý dứt điểm thì tình trạng này sẽ có tiếp diễn và gia tăng", ông Thi nói.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến