Dòng sự kiện:
Gian nan đường vào đại công trường khai thác vàng ở miền Tây xứ Nghệ
02/01/2019 06:00:25
Địa hình hiểm trở, ở rừng sâu lại luôn có “chim lợn” báo, theo dõi nên việc tiếp cận hiện trường, truy quét vàng tặc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Tương Dương (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn.

Nhắc đến huyện Tương Dương (Nghệ An), nhiều người nghĩ ngay đến huyện có diện tích lớn nhất không chỉ của Nghệ An mà còn của cả nước. Hiện diện tích huyện Tương Dương là 2.811,3 km2, gấp hơn 3,4 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh (822,7km2). Không những thế, nơi đây còn được xem là thủ phủ vàng. Sức hút của nó đã khiến nhiều đầu nậu vàng từ các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Thái Bình... kéo vào.

Tương Dương được xem là thủ phủ của vàng xứ Nghệ.

Để mục sở thị thủ phủ vàng miền tây xứ Nghệ, từ TP Vinh, chúng tôi đi dọc theo Quốc lộ 7 với gần 200km để đến huyện Tương Dương. Đến ngã ba giao Quốc lộ 7 với Quốc lộ 48C chúng tôi tiếp tục di chuyển khoảng gần 50km nữa về xã Yên Na rồi xã Yên Tĩnh... của huyện Tương Dương. Đây được xem là nơi tập trung của những công trường khai thác vàng tặc.

Dọc bên đường là các dòng suối nước trở màu đục ngầu, thỉnh thoảng lại nghe tiếng máy nổ Đông Phong vang rền xé toạc không gian yên tĩnh nơi rừng núi miền Tây xứ Nghệ.

Nước tại các khe suối đục ngầu do khai thác vàng trái phép tại xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.

Theo thống kê sơ bộ, vàng đồi chủ yếu ở khu vực bản Xàn, bản Huổi Cọ, xã Hữu Khuông; khu vực đồi Phu Phen, nơi giáp ranh giữa xã Yên tĩnh với các xã Yên Na, Yên Hòa

Các "điểm nóng" của vàng tặc thường nằm sâu trong rừng, phải mất 3-4 tiếng đồng hồ đi bộ mới đến nơi và tiếp cận được đại công trường.

Những người tham gia khai thác vàng là những người tứ xứ đến, nghiện ngập, đi tù về... Vì vậy, nhiều đối tượng sẵn sàng uy hiếp và chống trả nếu phát hiện người dân nào đó phản ánh. Cũng vì thế, dù biết việc khai thác vàng ảnh hưởng trực tiếp đến mình nhưng nhiều người không dám nói, phản ánh việc này.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, việc khai thác vàng đã làm cho một số người dân địa phương có thêm việc làm. Nhiều người trở thành các phu vàng cho các chủ vàng tặc với giá mỗi ngày hàng trăm nghìn. Một số chủ bãi vàng còn sử dụng cả trẻ em, phụ nữ làm phu vàng. Một số khác lại trở thành những người vận chuyển, cung cấp nước, dầu, lương thực... cho các bãi vàng. Vì vậy, họ trở thành “chim lợn” cho các chủ vàng nếu phát hiện cơ quan chức năng truy quét hay khi cơ quan chức năng đột nhập bãi vàng thì họ lại trở thành người trông coi, bảo vệ lán trại cho các chủ bãi vàng.

Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương cho biết, hiện nay vàng tặc đang khiến chính quyền nơi đây đau đầu. Đặc biệt, việc khai thác vàng trái phép còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Thực tế nạn khai thác vàng trái phép vẫn hoạt động bất chấp sự ngăn cấm và truy quét của chính quyền xã và cơ quan chức năng.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra các bãi vàng khai thác trái phép, tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút người và đưa máy móc vào rừng sâu. Đến khi đoàn kiểm tra rút đi thì chúng lại quay lại và đưa máy móc vào khai thác vàng. Thậm chí có trường hợp, khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt giấy phép khai thác khoáng sản, họ mới trình giấy phép đó cho địa phương nhưng rồi sau đó họ cũng “mất hút”, không thấy quay lại. Địa phương cũng chưa bàn giao đất cho đơn vị này", ông Vi Văn Khiêm cho biết thêm.

Một công ty có giấy phép xin khai thác vàng tại xã Yên Tĩnh rồi sau đó... mất hút.

Được biết, qua một số lần truy quét, đẩy đuổi, chính quyền đã nhiều lần thu giữ máy móc, phương tiện của các đối tượng vàng tặc nhưng sau một thời gian đâu lại vào đấy... Việc khai thác vàng ở đồi núi cũng đã khiến các khe suối nước hạ nguồn như Huổi Nguyên, Chà Hạ, Khe Líp… và thượng nguồn dòng sông Lam đục ngầu. Thậm chí, có nơi, người dân không thể lấy nước suối để dùng.

Máy móc và đường ống phục vụ cho khai thác vàng tặc bị xã Yên Tĩnh thu giữ.

Điều đáng nói, ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh, mất trật tự an ninh thì việc vàng tặc sử dụng các hóa chất rất độc hại như Thủy ngân và Xianua (chất làm vàng) trong quá trình khai thác vàng sẽ tiềm ẩn nhiều hậu quả.

Còn tiếp...

Ngọc Tuấn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến