Dòng sự kiện:
Giãn nợ theo Thông tư 01: Ngân hàng giãn cả lợi nhuận
16/09/2020 14:52:10
Đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN khiến các ngân hàng chưa được thu lãi dự thu, đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng giãn theo.

Theo Fiin Group, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết sẽ giảm khoảng 11,9% trong năm 2020

“Nuôi” con nợ để thu hồi nợ là giải pháp phù hợp

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn cho hay, việc tái cơ cấu, giãn nợ cũng như giảm lãi vay mới cho khách hàng buộc nhà băng này phải cắt giảm đến 3.000-4.000 tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng nếu không hy sinh lợi nhuận để “chia khó” cùng khách hàng trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, người thiệt thòi cũng sẽ là ngân hàng. Bởi khi doanh nghiệp khó khăn, mất khả năng trả nợ sẽ khiến nợ xấu tăng, kéo dự phòng rủi ro đi lên và hệ quả là lợi nhuận giảm. Vì thế, việc ngân hàng “nuôi” con nợ để thu hồi nợ được xem là giải pháp phù hợp lúc này.

Theo quy định của Thông tư 01, các ngân hàng được phép cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020. Trong thời gian tái cơ cấu, giãn nợ, ngân hàng không được thu lãi dự thu của khách hàng. Đây cũng là lý do quan trọng khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ 2019.

Một số ngân hàng cho biết đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay, nhưng cũng không ít nhà băng chỉ mới đạt được khoảng 20-30% do chưa được thu lãi dự thu. Các nhà băng này kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện sau giai đoạn tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, dự kiến là sau tháng 9/2020.

Sau giai đoạn này, khách hàng bắt đầu trả lãi và gốc cho ngân hàng, thay vì ngân hàng phải thoái lãi dự thu hoàn toán 6 tháng qua, nên lợi nhuận ghi nhận mức thấp. Thế nhưng, theo lãnh đạo các ngân hàng, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng còn nhiều khách hàng gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Bức tranh này sẽ rõ nét hơn vào cuối quý III/2020 nếu không gia hạn Thông tư 01.

Tại Sacombank, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nợ xấu 6 tháng đầu năm 2020 tăng 712 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,12% so với thời điểm 31/12/2019, hiện ở mức 1,89%. Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn tiến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước, nên dự kiến nợ xấu Ngân hàng có thể tiếp tục tăng.

“Dù vậy, bằng mọi biện pháp từ quản lý chất lượng tín dụng đến công tác giám sát thu hồi nợ, Sacombank sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2% trong năm nay. Mục tiêu lợi nhuận năm 2020 của Ngân hàng giảm 20% so với năm 2019 do việc tái cơ cấu, giãn nợ làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận”, bà Diễm thông tin.

7 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, vượt 5% so với tiến độ và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận bán niên của Sacombank vẫn giảm.

Thực tế cho thấy, để chia sẻ khó khăn cho khách hàng, đồng thời cứu chính mình, các ngân hàng phải đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng, tức là phải hy sinh lợi nhuận để kiểm soát được rủi ro. Ngoài Sacombank, các ngân hàng VietinBank và Vietcombank cũng giảm lần lượt 3.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch.

Trích lập dự phòng sẽ còn tăng, lợi nhuận còn giảm

Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, Kienlongbank giảm 50% tổng số tiền lãi cho 1.300 khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk. Khoản vay vốn trả góp ngày phát sinh từ 25/7/2020 trở về trước và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 1/8 - 30/9/2020. Trước đó, hồi đầu tháng 4/2020 - thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, Kienlongbank đã giảm 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày (kéo dài từ 3/4 - 30/6/2020).

Bà Trần Tuấn Anh, Thành viên Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày tại Ngân hàng là những người buôn bán nhỏ lẻ, có thu nhập thấp.

Việc tái cơ cấu nợ cho những khách hàng này đã tác động lên kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Kienlongbank, khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 118,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ hơn 1% hồi đầu năm lên mức hơn 6% sau 6 tháng, buộc Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thêm 80 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 222%.

Để đạt mục tiêu 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm nay, Kienlongbank cần xử lý xong khoản nợ liên quan đến khách hàng thế chấp 176,4 triệu cổ phiếu STB giá trị hơn 3.800 tỷ đồng để thu hồi nợ, nhưng sau 2 lần đấu giá đến nay vẫn chưa bán thành công.

Tại Eximbank, ngân hàng này vừa có văn bản giải trình việc lợi nhuận nửa đầu năm 2020 giảm mạnh sau kiểm toán. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm nay đạt 554,6 tỷ đồng và 441 tỷ đồng, giảm lần lượt 196,3 tỷ đồng và 169,6 tỷ đồng, tương đương giảm 26,14% và 27,77% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần giảm 48,2 tỷ đồng (giảm 2,9%) so với cùng kỳ khi thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc/lãi), giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01.

Đối với các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), kể từ ngày được tái cơ cấu lại, Eximbank không hạch toán dự thu (phải thoái hoàn toàn), mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu.

Tính đến 30/6/2020, nợ xấu nội bảng của Eximbank là 2.157 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,71% lên 2,08%; chi phí dự phòng rủi ro tăng 263,6 tỷ đồng. Đây cũng là lý do buộc Eximbank điều chỉnh giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận 2020 đến 40% so với dự kiến ban đầu.

Dù vậy, với kế hoạch đặt ra là hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, Eximbank chưa hết khó khăn vì khoản nợ thế chấp 75 triệu cổ phiếu STB đến nay vẫn chưa xử lý được, trong khi đòi hỏi phải trích dự phòng cao.

Số liệu tổng hợp của Fiin Group tại 12/18 ngân hàng niêm yết cho thấy, xu hướng giảm lợi nhuận diễn ra phổ biến. Dự kiến lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này sẽ giảm khoảng 11,9% trong năm 2020. Nhóm phân tích của Fiin Group cho biết, việc ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp là do tác động của dịch bệnh và định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước về việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thực tế, các ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng trong nửa đầu năm nay do lo ngại nợ xấu tăng. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, ngân hàng buộc phải tăng thêm dự phòng để bao nợ xấu.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro từ những năm trước và đến năm 2020, tỷ lệ này đạt tới 250%. Bởi theo lãnh đạo Vietcombank, với tình hình dịch bệnh hiện nay, chất lượng tín dụng sẽ còn bị ảnh hưởng nên không chỉ ngân hàng nhỏ, mà cả ngân hàng lớn cũng đưa ra chủ trương “hạ cánh mềm”, để ngỏ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm. 

Nếu không cơ cấu nợ theo Thông tư 01, tỷ lệ tạo mới nợ xấu sẽ ở mức cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 8/6, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249.000 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng và chỉ phải trích lập dự phòng theo nhóm nợ đã cơ cấu lại.

Tuy nhiên, trong quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng, lên mức 1,71% từ mức 1,44% vào cuối quý IV/2019.

Nhận định được đưa ra từ giới phân tích tài chính, nếu không thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến