Dòng sự kiện:
Giao dịch chứng khoán chiều 17/9: VN-Index bứt phá, hướng về mốc trên 1.500 điểm
17/09/2021 17:19:40
Mặc dù về cuối phiên, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường hạ độ cao nhưng VN-Index vẫn đứng vững trên mốc 1.350 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số đã có phiên tăng đẹp ngày cuối tuần nhờ mức tăng tốt và thanh khoản ủng hộ với gần 26.000 tỷ đồng khớp lệnh riêng trên sàn HOSE, mức cao nhất trong 8 phiên trở lại đây. Đồng thời, VN-Index cũng phá ngưỡng cản 1.350 điểm mà nhiều lần không vượt qua được trong 2 tuần qua.

Phiên hôm nay, dòng tiền vẫn tiếp tục mở rộng tham gia vào nhiều nhóm ngành giúp số mã tăng điểm vẫn chiếm ưu thế, 280 mã trên sàn HOSE, trong đó có 29 mã tăng trần. Còn toàn thị trường ghi nhận 544 mã tăng, trong đó có 167 mã tăng trần và chỉ còn 303 mã giảm điểm, trong đó có 28 mã nằm sàn.

Nhưng điểm đáng chú ý nằm ở nhóm ngân hàng khi đây là nhóm đóng vai trò quan trọng để chỉ số tăng vượt ngưỡng cản 1.350 điểm.

Trong 1 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán vận hành theo cách “bỏ qua” nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index này, dòng tiền lan tỏa tới các nhóm ngành khác, tập trung nhiều vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Nhưng cũng chính bởi sự níu kéo của nhóm ngân hàng mà chỉ số rất khó tăng mạnh.

Về mặt kỹ thuật, phiên tăng điểm đẹp ngày hôm nay đã chính thức phá vỡ mô hình tam giác cờ đuôi nheo hướng lên. Có thể sẽ cần thêm một phiên tăng điểm nữa để xác nhận, nhưng việc phá vỡ này cho phép VN-Index có thể bứt phá với chiều cao của thân cờ, tương đương với mức khoảng 184 điểm, lên mức 1.534 điểm.

Mẫu hình cờ đuôi nheo của VN-Index

Hôm nay cũng là phiên kết thúc tuần, VN-Index có tuần thứ 3 liên tiếp tăng điểm với thân nến nằm trên và bám khá sát đường trung bình giá 20 tuần (MA20), thanh khoản ở mức ngang với tuần trước, cho chỉ báo về xu hướng tăng điểm dài hạn vẫn tiếp diễn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 280 mã 126 mã giảm, VN-Index tăng 6,77 điểm (+0,5%), đứng ở mức 1.352,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 852,78 triệu đơn vị, giá trị 25.944,24 tỷ đồng, cùng tăng hơn 42% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,63 triệu đơn vị, giá trị 2.248,43 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, sự quay đầu về vùng giá thấp nhất ngày của một số cổ phiếu là tác nhân khiến thị trường hụt hơi cuối phiên, điển hình như BVH giảm 1,7% xuống mức 63.600 đồng/CP, MSN giảm 2,5% xuống mức 146.000 đồng/CP, KDH giảm 1,6% xuống 42.000 đồng/CP, PDR giảm 2,2% xuống 80.000 đồng/CP, VIC giảm 1,1% xuống 86.800 đồng/CP, VRE giảm 2,7% xuống 29.200 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, dòng bank chính là điểm tựa chính của thị trường bên cạnh một số mã lớn khác như VHM, HPG, FPT hay một số cổ phiếu ngân hàng khác có mức tăng hơn 1%.

Trong họ ngân hàng, chỉ còn duy nhất VCB giao dịch dưới mệnh giá, còn lại đều được phủ kín bởi sắc xanh. Điểm sáng ngành là cổ phiếu TPB khi bất ngờ tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, TPB tăng 5,6% lên mức giá cao nhất ngày 40.800 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh sôi động với gần 11,84 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, một số mã bank khác tăng tốt phải kể đến như VPB tăng 3,1% lên 67.000 đồng/CP, VIB tăng 2,3% lên 36.000 đồng/CP, EIB tăng 3,2% lên 26.000 đồng/CP, MSB tăng 2,1% lên 29.250 đồng/CP, TCB, ACB, BID, HDB, LPB đều tăng hơn 1%...

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất thành viên họ Louis là APG vẫn trong trạng thái trắng bên mua, còn lại đều khởi sắc với một số mã vừa và nhỏ như HBS, IVS, PSI, VIG tăng trần, bên cạnh các mã lớn như SSI, HCM, VCI đều tăng hơn 1%, VND tăng 3%...

Ngoài trụ cột ngân hàng và chứng khoán, nhóm thép vẫn tiếp tục khởi sắc với các mã TLH, SMC, NKG tăng trên dưới 3%, HPG tăng 1%, chỉ còn HSG và POM đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch phân hóa với điểm sáng thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như SCR, TCD, HDG… tăng trần. Trong đó, SCR kết phiên tăng 6,9% lên mức giá trần 12.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 27,5 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4 triệu đơn vị.

Một điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ Louis. Sau nhịp quay đầu điều chỉnh ở phiên sáng, lực cầu gia tăng đã giúp nhiều thành viên như BII, AGM, SMT đảo chiều hồi phục, thậm chí là TGG đã lấy lại mức giá trần và đóng cửa tại mức giá 64.500 đồng/CP, trong khi APG tiếp tục nằm sàn, DDV thu hẹp biên độ giảm và kết phiên đứng tại mức giá 35.800 đồng/CP, giảm 7%.

Còn 2 thành viên mới là TDH và VKC vẫn duy trì sức nóng, đặc biệt là TDH dư mua trần tới gần 16,9 triệu đơn vị và kết phiên đứng tại mức giá trần 11.550 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 1,98 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dòng tiền sôi động tiếp tục tiếp sức cho đà tăng mạnh. Chỉ số HNX-Index nới rộng biên độ tăng lên sát vùng giá 360 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 111 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 5,25 điểm (+1,49%), lên 358,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70 triệu đơn vị, giá trị 3.973,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,48 triệu đơn vị, giá trị 68,31 tỷ đồng.

Trong bộ 3 cổ phiếu ngân hàng, NVB vẫn chỉ nhích nhẹ, còn BAB và SHB đều ghi nhận mức tăng hơn 2%. Trong đó, SHB kết phiên tăng 2,7% lên mức 26.800 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 14 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn khác trong nhóm HNX30 cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng thị trường như SLS có thời điểm tăng kịch trần và kết phiên tăng 6,7% lên mức 173.500 đồng/CP, VCS tăng 2,7% lên 121.000 đồng/CP, SHS tăng 3,6% lên 40.000 đồng/CP, CEO, LAS, MBS… tăng hơn 2%.

Thành viên nhà Louis là BII đã lấy lại sắc xanh nhạt với mức tăng chỉ 100 đồng lên mức 28.000 đồng/CP và đứng thứ 3 về thanh khoản thị trường với hơn 10,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, đà tăng cũng nới rộng hơn trong phiên chiều giúp UPCoM-Index lên vùng giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,16 điểm (+1,2%), lên 97,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 165,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.223 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,86 triệu đơn vị, giá trị 276,55 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn giữ vững đà tăng trần như PVX, AVF, DPS, GTT, DCS… Trong đó, PVX dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM với hơn 12,15 triệu đơn vị được giao dịch.

Đứng ở vị trí thứ 2 là HHV đã có phiên giao dịch sôi động với hơn 10 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tăng gần 2% lên mức 21.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều tăng, trong đó VN30F2110 dẫn đầu thanh khoản với gần 133.480 đơn vị được khớp lệnh, khối lượng mở, hơn 13.850 đơn vị và đóng cửa tăng 16,2 điểm (+1,1%), lên 1.456,8 điểm.

Trên thị chứng quyền, phiên này CPDR2102 hút giao dịch nhất với 409.640 đơn vị khớp lệnh, và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 160 đồng/cq.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến