Trong phiên sáng nay, mặc dù đã có thời điểm thị trường tăng khá tốt hơn 6 điểm, nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan quá nhiều khi VN-Index vẫn chưa vượt được mốc 1.400 điểm. Thị trường vẫn trong trạng thái đi ngang và chưa có động thái để vượt được ngưỡng kháng cự này.
Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn lo sợ thị trường khó khăn khi tiếp cận vùng đỉnh, trong khi đó, lực cung bán ra vẫn nhiều, bằng chứng là cứ mỗi thời điểm tiến sát mốc 1.400 điểm thì thị trường tạo thành những cây nến khá to, chứng tỏ dòng tiền chảy vào thị trường nhiều nhưng không thể tạo được biên tăng, thậm chí còn tạo những biên giảm về cuối phiên.
Và kịch bản này lại tiếp diễn trong phiên giao dịch chiều 25/10. Sau phần lớn thời gian loay hoay và gặp khó khi giữ mốc 1.380 điểm, áp lực bán đã tăng tăng trong đợt khớp ATC, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đẩy chỉ số VN-Index về vùng giá đỏ.
Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường chính là thanh khoản thị trường tăng vọt, lên mức cao nhất trong khoảng 1,5 tháng qua và mốc 1.380 điểm vẫn đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cứng cho thị trường.
Về độ rộng thị trường, không có quá nhiều sự chênh lệch khi có 200 mã tăng và 240 mã giảm, tuy nhiên, điểm trừ chính là nhóm VN30 khi phần lớn các mã giảm điểm đã để mất hơn 1-2%.
Chốt phiên, VN-Index giảm 3,84 điểm (-0,28%) xuống 1.385,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 899,26 triệu đơn vị, giá trị 27.098,5 tỷ đồng, tăng 12,69% về khối lượng và 25,68% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,18 triệu đơn vị, giá trị 1.699,23 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 13 mã tăng và 16 mã giảm, trong đó BVH vẫn là mã tăng mạnh nhất khi kết phiên giữ vững mức giá trần, ngoài ra GVR, KDH và PLX có mức tăng hơn 2%, còn lại đều chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5% như VHM, VIC, SAB, PNJ…
Trái lại, HPG và TPB có mức giảm sâu nhất khi đều để mất 2,8%, tiếp theo là TCB giảm 2,7%, SSI và STB cùng giảm 2,3%, còn ACB, FPT, MBB, PDR cũng giảm hơn 1%...
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã nóng vẫn tăng khá mạnh như HQC tiếp tục nới rộng biên độ tăng khi kết phiên tăng 3,9% lên mức giá cao nhất ngày 4.750 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt 32,26 triệu đơn vịị.
Các mã khác như HBC, IJC, CII, LCG, HHS, BCG… cũng tăng tốt hơn với biên độ tăng hơn 3-4%.
Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng vẫn tạo sức ép lớn nhất trên thị trường khi chỉ có duy nhất CTG tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại đồng loạt đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể là TCB, VIB, SHB, TPB, STB cùng giảm hơn 2%; MBB, ACB, EIB giảm hơn 1%, còn lại đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở nhóm chứng khoán, các mã lớn tiếp tục giảm sâu hơn như SSI giảm 2,3%, HCM giảm 2,7%, VND và VCI cùng giảm 3,1%, chỉ có một số mã ở top sau như AGR, APG, ORS, PHS, AAS giữ được đà tăng điểm.
Tương tự, nhóm cổ phiếu thép cũng bị bán mạnh và đồng loạt đều giảm sâu hơn, đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày như HPG giảm 2,8%, HSG giảm 4,1%, NKG giảm 5,8%, TLH giảm 3,2%, POM giảm 3,8%, SMC giảm 3%. Trong đó, HPG vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 41,6 triệu đơn vị; cặp HSG và NKG cùng có khối lượng khớp lệnh 15,5 triệu đơn vị.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tiếp tục dậy sóng với các mã BVH, BMI, VNR cùng đóng cửa trong sắc tím và đều trong trạng thái trắng bên bán. Ngoài ra, PRE và PTI tăng trên dưới 5%, PVI tăng 7,1%; BIC và PGI cùng tăng hơn 2%...
Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của nhóm này cũng cải thiện, đáng kể là BVH khớp lệnh gần 4,5 triệu đơn vị, BMI khớp 2,73 triệu đơn vị, MIG và PVI cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong nhóm bất động sản và xây dựng, hàng loạt mã vừa và nhỏ vẫn đua nhau tăng trần như C32, HAR, HTN, HU1, SGR, TLD, DXV, ITC, hay TDH tăng sát trần…
Một trong những cổ phiếu đáng chú ý của ngành là BCG. Nếu trong phiên sáng nay, BCG giao dịch dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian thì sang phiên chiều, lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này đảo chiều tăng tốt cùng thanh khoản cải thiện. Kết phiên, BCG tăng 3% lên mức 24.200 đồng/CP và khớp gần 5,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dòng tiền chảy mạnh với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip vẫn tiếp sức cho đà tăng tốt của thị trường.
Chốt phiên, sàn HNX có 114 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index tăng 4,68 điểm (+1,2%), lên 395,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 145,26 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.162 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị hơn 311 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động và xây dựng là tâm điểm đáng chú trên sàn HNX. Bên cạnh VC3 tăng trần với biên độ 10% lên mức 29.700 đồng/CP, các mã lớn khác như L14, NDN, VMC cũng có thời điểm được kéo tăng kịch trần và kết phiên vẫn ghi nhận mức tăng mạnh 7 – 8,5%, IDC tăng 5,6% lên mức 66.300 đồng/CP…
Bên cạnh đó, trong nhóm HNX30, còn có cặp đôi NTP và LAS giữ vững sắc tím, trong đó LAS khớp lệnh gần 4,35 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 9 về thanh khoản trên sàn HNX.
Ngoài ra, các mã tăng tốt khác như TVC tăng 5,6%, TNG tăng 3,2%, hay PVB, PVC, BVS tăng hơn 2%...
Ở chiều ngược lại, sau phiên đua trần hôm cuối tuần trước, đồng loạt cổ phiếu trong nhóm than đều quay đầu giảm điểm trước áp lực bán khá lớn với NBC giảm 3%, TVD và MDC giảm trên dưới 5%, TC6 giảm 3,2%, TDN, THT, HLC giảm trên dưới 2%.
Bên cạnh đó, cặp đôi ngân hàng là BAB và NVB cũng không nằm ngoài xu thế chung của nhóm khi mất trên dưới 1%.
Về thanh khoản, cổ phiếu NDN vẫn dẫn đầu sàn HNX với hơn 8,88 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là PVS khớp 7,76 triệu đơn vị, TVC khớp 6,93 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ vững đà tăng trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,55%), lên 100,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 98,7 triệu đơn vị, giá trị 1.962,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 119,55 tỷ đồng.
Cặp đôi VGT và BSR vẫn là tâm điểm của thị trường UPCoM. Kết phiên, VGT tăng 2,3% lên mức 22.000 đồng/CP, còn BSR giữ sắc xanh nhạt khi tăng 0,4% lên 23.200 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm cổ phiếu thép, TVN đã quay đầu điều chỉnh và có phiên giảm sâu sau đợt tăng mạnh. Kết phiên, VTN giảm 5,5% xuống vùng giá thấp nhất ngày 18.900 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị. TIS cũng giảm 4,7% xuống mức 16.100 đồng/CP.
Một trong những mã nóng trong thời gian gần đây là NED cũng giảm nhiệt khi kết phiên tăng 2,4% lên mức 12.600 đồng/CP và khớp 2,83 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, VN30F2111 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/11 giảm 14 điểm (-0,9%) xuống 1.478 điểm, khớp gần 126.090 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 27.630 đơn vị.
Thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo, trong đó CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 128.130 đơn vị, kết phiên giảm 5,3% xuống 2.480 đồng/cq.
Trong khi đó, CKDH2103 đứng thứ 2 về thanh khoản với khối lượng khớp 123.090 đơn vị, đóng cửa tăng 7% lên 460 đồng/CP.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy