Sau phiên sáng nhích nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với lực bán bất ngờ dâng cao ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, VCB và BID, trong khi trụ cột phiên sáng là VHM hạ thấp độ cao đã khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu và thủng mốc 1.460 điểm, nhưng đã thu hẹp đà giảm và trở lại ngưỡng trên trong phiên ATC nhờ dòng tiền vẫn rất sôi động chảy vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Nhịp giảm phiên chiều hôm nay khá giống với phiên chiều hôm qua (9/11), trừ cái kết. Nếu như phiên hôm qua thị trường sau đó nhận được lực mua rất tốt và phục hồi hình chữ V thì phiên hôm nay điều đó không xảy ra mà chỉ phục hồi nhẹ trở lại. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng đã trở lại sau chuỗi tăng điểm khá tốt của thị trường vừa qua.
Tuy nhiên, trong một sóng tăng, thị trường cần có những nhịp điều chỉnh như phiên hôm nay để tạo sự cân bằng hơn, đồng thời thu hút thêm tiền mới nhập cuộc. Phiên giảm điểm với thanh khoản tương đối cao một mặt cho thấy lực chốt lời đã tăng, nhưng nếu phân tích kỹ thì các chỉ báo vẫn còn khá tích cực.
Cụ thể, số mã tăng và giảm trên thị trường khá cân bằng, việc VN-Index giảm hơn 6 điểm chủ yếu là do ảnh hưởng của một số mã lớn giảm điểm như đề cập phía trên. Thậm chí việc biến động giá của GAS và Masan có những lúc khiến VN-Index biến động rất nhanh, tăng giảm khoảng 1 điểm liên tục chỉ trong vòng khoảng 1 phút.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu với đường MA20 hướng lên, dải Bolinger Band tiếp tục mở rộng... Tuy nhiên việc chỉ số VN-Index đã cách khá xa đường trung bình giá 20 ngày (42 điểm) báo hiệu thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh trong một vài phiên để kéo khoảng cách này gần lại. Tuy nhiên, đây chỉ là "có thể", trong quá khứ có những thời điểm khoảng cách trên lên tới 77 điểm thì VN-Index mới đảo chiều ngắn hạn như khoảng thời gian đầu tháng 6/2021.
Đóng cửa, sàn HOSE có 200 mã tăng và 253 mã giảm, VN-Index giảm 6,07 điểm (-0,41%), xuống 1.461,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.030 triệu đơn vị, giá trị 29.987,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,6 triệu đơn vị, giá trị 1.456,7 tỷ đồng.
Một số mã lớn đã đảo chiều giảm khá nhanh và tác động mạnh đến chỉ số, với GAS -3,1% xuống 119.200 đồng, MSN -2,8% xuống 147.800 đồng, BID -2,1% xuống 43.000 đồng và VCB -1,1% xuống 97.100 đồng. Bốn mã trên tổng cộng đã kéo lùi VN-Index tới hơn 5 điểm.
Một số bluechip giảm đáng kể khác như PNJ -1,9% xuống 106.000 đồng, POW -1,9% xuống 12.850 đồng, VNM, MWG, VPB, VRE, NVL giảm từ 1,1% đến 1,5%, cùng không ít sắc đỏ khác tại HPG, TCB, SSI, PDR, GVR, TPB…
Ở chiều ngược lại, HDB là mã tăng tốt nhất +2,6% lên 27.700 đồng, BVH giữ nguyên mức tăng 2% ở phiên sáng lên 64.900 đồng, trong khi VHM hạ nhiệt, chỉ còn +0,7% lên 93.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động tốt, mặc dù cũng có sự phân hóa nhất định, với HAG đã trở lại mức giá trần +6,8% lên 6.560 đồng, khớp lệnh vượt trội trên toàn thị trường với hơn 45 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu liên quan là HNG chỉ tăng 1,7% lên 8.570 đồng, khớp hơn 16,58 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng tiền với HDC, LDG đều tăng kịch trần, các mã VGC, TIP, DRH, PTL, GEX, KBC, NTL, SCR, CEE, FIR, VPI, KHG, SAM, DIG, CTI tăng từ 2,4% đến hơn 5%, khớp lệnh LDG có hơn 7,4 triệu đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 3,15 triệu đơn vị.
Các mã DXG, DLG, FIT, HBC, NLG cũng có được sắc xanh khi kết phiên, trong khi FLC đứng tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu vận tải, cảng biển cũng đã nới đà tăng với STG tăng trần lên 31.950 đồng, PVT tăng trần +6,9% lên 27.050 đồng, VSC +5% lên 46.300 đồng, GMD +4,4% lên 54.500 đồng, GSP +3,7% lên 16.700 đồng, HAH +3,3% lên 72.500 đồng, DVP +3% lên 62.800 đồng, CLL +2,6% lên 35.900 đồng, VOS +2,4% lên 23.350 đồng, TCL +2,4% lên 44.050 đồng.
Các cổ phiếu thực phẩm, đồ uống, nông nghiệp với TSC, ANV, AMV, SCD đều tăng trần, còn TAC +5,5% lên 75.000 đồng, PAN +5,4% lên 36.300 đồng, ABS +4,6% lên 27.200 đồng…
Ở chiều ngược lại, SHB trở thành đại diện giảm giá đáng kể nhất, khi lùi sâu và mất 6,1% xuống 29.100 đồng, khớp hơn 31,59 triệu đơn vị.
Cổ phiếu KHP của Điện lực Khánh Hòa đã hạ nhiệt sau chuỗi tăng liên tiếp gần đây và phiên hôm nay có thời điểm còn lùi về mức giá sàn, trước khi được kéo lên và đóng cửa -3,8% xuống 13.950 đồng.
Phần còn lại là áp lực chốt lời khác ở nhóm bất động sản với HQC -4%, TLD -3,8%, HAR -3,6%, TGG -3,6%, SGR -3,2%, ACC -3,1%, các cổ phiếu LGL, LGC, TNI, TDC, ROS, VPH giảm từ 2,1% đến 2,5%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau phiên sáng tăng khá tốt đã chịu áp lực bán gia tăng và giao dịch trở nên rung lắc, giằng co quanh tham chiếu cho đến khi đóng cửa.
Kết phiên, sàn HNX có 123 mã tăng và 109 mã giảm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,12%), lên 432,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143 triệu đơn vị, giá trị 3.765 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15,2 triệu đơn vị, giá trị 621,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO vẫn là điểm sáng, khi duy trì mức giá trần +9,5% lên 15.000 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 17 triệu đơn vị.
Nhích lên còn có IDC +2,6% lên 94.500 đồng, KSF +1,5% lên 68.800 đồng, LIG +4,2% lên 17.500 đồng, VHE +8,5% lên 10.400 đồng. Trong khi một vài sắc xanh khác tại PVS, NDN, MBS, HUT, FID…
Khá nhiều mã kết phiên giảm, như TAR -4,1% xuống 39.900 đồng, ART -2,7% xuống 11.000 đồng, KLF -3,4% xuống 5.600 đồng, S99 -2% xuống 24.700 đồng, thanh khoản cao với khối lượng khớp lệnh từ 1,76 triệu đến hơn 9 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhanh chóng thủng tham chiếu ngay khi bước vào phiên chiều và may mắn đã bật nhẹ lên trên sắc xanh vào những phút cuối.
Cổ phiếu HHV phiên này vẫn vượt trội với 26,8 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng mạnh 8,5% lên 22.900 đồng.
Các mã có thanh khoản tốt phía sau ngoài OIL mất 1,7%, cùng BSR, SBS, VHG đứng tham chiếu thì cũng đều tăng, như VGT +3,3% lên 28.300 đồng, PAS +6,5% lên 23.100 đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,14%), lên 109,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 128,8 triệu đơn vị, giá trị 2.773,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 113,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2111 giảm 12,2 điểm (-0,79%), xuống 1.525,5 điểm, khớp lệnh hơn 127.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, với CVRE2106 phiên này khớp lệnh cao nhất với hơn 2 triệu đơn vị, giảm 5,2% xuống 2.020 đồng/cq.
Mặc dù vậy, ba mã tiếp theo có khối lượng khớp từ 1,4 đến gần 1,9 triệu đơn vị đều tăng là CSTB2110, CHPG2114 và CSTB2109.
Tác giả: Lạc Nhạn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy