Dòng sự kiện:
Giao dịch chứng khoán sáng 13/5: Lực bán dâng cao, VN-Index tiếp tục giảm sâu
13/05/2022 12:22:03
Thị trường biến động khá mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 13/5 với những pha giật cục. Tuy nhiên, áp lực bán dâng cao và lan rộng cuối phiên đã khiến VN-Index tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá thấp nhất.

Dòng tiền tham gia thị trường ngày càng cạn kiệt khi mức thanh khoản trên sàn HOSE trong những phiên gần đây chỉ duy trì quanh mức 15.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên 11/5 rơi xuống mức 11.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tâm lý toàn thị trường đang ở mức hoảng loạn và hiệu ứng giảm điểm mạnh khiến các mốc hỗ trợ không còn nhiều ý nghĩa. Sau 2 phiên lao dốc mạnh ngày 25/4 (mất 5%) và 9/5 (giảm 4,5%), trong phiên hôm qua ngày 12/5, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm phiên bán tháo mạnh khiến hàng trăm mã nằm sàn và chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 62 điểm, tương ứng giảm 4,8%.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm (Fib 38,2% sóng tăng 5) nên dư địa giảm là vẫn còn. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như lực cầu bắt đáy trong vùng hỗ trợ 1.225-1.250 điểm (đáy tháng 7/2021) là đủ tốt.

Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 13/5, lực cầu vẫn tỏ ra khá yếu khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái ảm đạm. Sau thời gian ngắn đầu phiên thăm dò, áp lực bán đang có dấu hiệu gia tăng đẩy nhiều mã lớn bé về dưới mốc tham chiếu và chỉ số VN-Index nới rộng biên độ giảm.

Sau gần 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE chỉ còn chưa tới 50 mã tăng, trong khi số mã giảm gấp tới hơn 7 lần, chỉ số VN-Index giảm hơn 21 điểm và về dưới mốc 1.220 điểm.

Mặc dù mốc 1.200 điểm được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ cứng cho thị trường nhưng nếu thị trường không có điểm tựa thì việc xuyên thủng vùng giá này là hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí nhiều chuyên gia chứng khoán còn dự báo thị trường có thể tiêu cực hơn khi về vùng giá hoặc dưới vùng giá 1.000 điểm.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm cổ phiếu bluechip đang có những tín hiệu khá tích cực, đặc biệt là sắc xanh đang lan rộng hơn ở dòng bank, giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm.

Bên cạnh các mã ngân hàng như VCB, ACB, MBB, BID, VPB… khởi sắc, một số mã bluechip giảm sâu trong phiên hôm qua cũng đã hồi phục khá tốt. Cụ thể như FPT tăng trên dưới 2%, PNJ và SSI cùng tăng hơn 1%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền khá yếu, chỉ số VN-Index đi lên khá khó khăn và chỉ hồi phục được khoảng 10 điểm từ vùng đáy đã tiếp tục giật lùi trở lại.

Lực bán lớn tiếp tục dâng cao trong khoảng 1 giờ cuối phiên sáng, đã đẩy VN-Index về mốc thấp nhất trong phiên khi bốc hơi gần 30 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 57 mã tăng và 394 mã giảm (33 mã giảm sàn), VN-Index giảm 28,36 điểm (-2,29%), xuống 1.210,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 382,3 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 10.195 tỷ đồng, tăng 79,74% về khối lượng và 74,145 về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,23 triệu đơn vị, giá trị 1.227,2 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 chỉ còn 7 mã giữ được sắc xanh là PNJ tăng 3,2%, FPT tăng 1,9%, ACB tăng 1,7%, VNM tăng 1,5%, VJC tăng 1,1%, cùng SSI và MBB nhích nhẹ chưa tới 0,5%.

Trái lại có 23 mã trong rổ này mất điểm, trong đó STB chốt phiên giảm sàn, đáng kể tác động mạnh tới chỉ số chung có VHM giảm 4,2%, BVH giảm 5,9%, các mã GVR, GAS, MSN, SAB giảm hơn 3%...

Trong đó, bộ 3 gồm HPG, STB và SSI có giao dịch sôi động nhất thị trường, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt hơn 18 triệu đơn vị, hơn 16,8 triệu đơn vị và 12,26 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm phân bón, thủy sản, bán lẻ tiếp tục bị xả mạnh với hàng loạt mã đua nhau nằm sàn. Cụ thể như nhóm thủy sản có ASM, ACL, IDI, ANV, VHC; nhóm phân bón có DPM, SCM; bán lẻ có FRT, DGW, PET.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau tín hiệu khởi sắc giữa phiên, áp lực bán gia tăng cũng khiến các cổ phiếu bank đồng loạt quay đầu. Ngoại trừ MBB và ACB tăng nhẹ, còn lại sắc đỏ phủ kín toàn ngành, đáng kể như STB giảm sàn, SHB giảm 5,11%, OCB giảm 5,93%, VIB giảm 4,6%, các mã TCB, VPB, SSB, TPB đều giảm hơn 2%...

Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG rung lắc trong biên độ hẹp và chốt phiên giảm nhẹ chưa tới 1%, thì các mã khác đều giảm sâu như HSG nằm sàn, NKG giảm 6,7% xuống sát sàn.

Trong nhóm chứng khoán, ngoại trừ SSI le lói sắc xanh với biên độ tăng chỉ 1 bước giá, còn lại chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể FTS giảm sàn, VND giảm 6,6% xuống sát sàn, VCI giảm 5%, VIX giảm 4,3%...

Nhóm bất động sản hầu hết cũng mất điểm, điển hình VHM giảm 4,2%, VIC giảm 1,52%, BCM giảm 6,85%, NVL giảm hơn 1%..., ở top vừa và nhỏ có DXG, DXS, LGC, SCR, LHG nằm sàn.

Trên HNX, thị trường cũng biến động mạnh trong phiên sáng, đáng kể có thời điểm HNX-Index hồi phục sắc xanh nhưng lực bán lớn về cuối phiên đã đẩy chỉ số này giảm sâu trở lại.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 150 mã giảm, HNX-Index giảm 5,05 điểm (-1,6%), xuống 310,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,62 triệu đơn vị, giá trị 817,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 31,6 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có 7 mã tăng điểm, trong đó PVS tăng tốt nhất với biên độ tăng 3,6%, PVC tăng 3,3%, TAR tăng 1,4%, còn L18, NTP, DDG, HUT nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, các mã giảm mạnh như BVS giảm 6,5%, L14 và MBS cùng giảm 6,3%, LAS giảm 4,7%, TVC giảm 4%, THD giảm 3,7%, IDC giảm 3%...

Không chỉ giao dịch khởi sắc, cặp họ P cũng có thanh khoản khá tốt trong phiên hôm nay, trong đó PVS dẫn đầu thị trường khi khớp hơn 8 triệu đơn vị, còn PVC cũng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm chứng khoán, bất động sản trên HNX cũng không nằm ngoài xu hướng chung là giảm điểm.

Trên UPCoM, thị trường cũng giảm mạnh về cuối phiên sau nhịp hồi đầu phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,28%), xuống 95,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,52 triệu đơn vị, giá trị 314,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,12 triệu đơn vị, giá trị 20,62 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ đua nhau giảm mạnh và là các mã có giao dịch sôi động trên thị trường. Trong đó, HVG giảm sàn và dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 3,8 triệu đơn vị; PVS giảm 10,9% và khớp 2,32 triệu đơn vị, DCS giảm sàn và khớp 1,94 triệu đơn vị…

Một số mã nóng khác cũng giảm sâu như C4G giảm 6% xuống 12.500 đồng/CP và khớp 1,67 triệu đơn vị, trong khi VGT giảm 5% xuống 17.200 đồng/CP và khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Ở cặp đôi dầu khí, cổ phiếu BSR tiếp tục mất 4% và chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 19.100 đồng/CP, khớp 3,48 triệu đơn vị.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến