Mặc dù trạng thái tiêu cực đã phần nào được gạt bỏ giúp thị trường có những phiên hồi phục cuối tuần qua, nhưng với tâm lý dè dặt của dòng tiền sau khi trải qua một đợt giảm mạnh cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đang cận kề khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Với việc đóng cửa trở lại trên vùng 1.453 điểm, VN-Index đã chính thức giữ được trend tăng giá trung hạn, nhưng trong ngắn hạn, xu hướng chính của thị trường là đi ngang với kháng cự trên là vùng 1475-1.490 điểm và hỗ trợ ngắn hạn là vùng đáy của tuần này tại 1.426 điểm.
Về khung đồ thị tuần, với cây nến hamer đỏ, lực bán của thị trường vẫn đang chiếm ưu thế. Chỉ số VN-Index dự báo sẽ cần tích lũy và rất khó khôi phục đà tăng trong ngắn hạn trước tết âm lịch.
Không nằm ngoài dự báo trên, thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/1, đây cũng là tuần giao dịch cuối cùng để nghỉ Tết Nguyên đán, không mấy khả quan.
Nếu nhìn lại lịch sử các năm trước đó, thì áp lực bán cổ phiếu trước Tết chiếm áp đảo bên mua là tương đối phổ biến khi mà diễn biến thị trường thời điểm này thường kém tích cực, nhưng diễn biến sau Tết sẽ tích cực trở lại.
Thị trường mở cửa trong sắc đỏ và tiếp tục lùi sâu về gần mốc 1.450 điểm khi áp lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng. Sau hơn 1 giờ giao dịch, số mã giảm trên HOSE đang gấp gần 4 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng gia tăng sức ép khi có thời điểm thủng mốc 1.490 điểm.
Trong khi các nhóm cổ phiếu bất động sản nhanh chóng quay đầu sau nhịp hồi cuối tuần trước, cùng áp lực bán khá lớn ở nhóm chứng khoán và thép, thì dòng bank lại trở lại là vị cứu tinh của thị trường, giúp VN-Index ngừng rơi và mốc 1.450 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ khá tốt.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 350 mã giảm (13 mã sàn) và 102 mã tăng (3 mã trần), chỉ số VN-Index giảm 8,64 điểm (-0,59%) xuống 1.464,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 436 triệu đơn vị, giá trị 13.341,89 tỷ đồng, giảm 20,26% về khối lượng và 7,68% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 21/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,93 triệu đơn vị, giá trị 671,78 tỷ đồng.
Dòng bank là điểm sáng của thị trường trong phiên giao dịch sáng nay, với đầu tàu VCB tăng tốc khi chốt phiên đứng tại mức giá 93.100 đồng/CP, tăng 4,4%.
Các cổ phiếu khác trong ngành cũng nằm trong top tăng mạnh của rổ VN30 như ACB tăng 3,7%, MBB tăng 2,8%, TCB tăng 2,2%, CTG tăng 2,1%, BID tăng 1,2%, HDB tăng 0,9%.
Chỉ còn một số mã trong ngành như TPB, STB, VPB, EIB giảm trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán giảm khá sâu với mã lớn SSI giảm mạnh nhất trong rổ VN30 khi để mất 5,9% xuống mức 61.900 đồng/CP, thậm chí có thời điểm giảm sàn; các mã lớn khác như HCM giảm 3,3%, VCI giảm 5,7%, FTS giảm 6,4%, CTS giảm sàn…
Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục giảm sâu, trong đó HPG giảm 3,2%, HSG giảm 2,8%, NKG giảm 5,8%, TLH giảm 4,7%, POM giảm 3,4%, SMC giảm 1,3%.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh mã lớn VHM giảm 1,64%, NVL giảm 2%, các mã khác như VCG giảm hơn 3%, PDR giảm 3,67%, DIG giảm 3,17%, NLG và TCH cùng giảm hơn 4%...
Các mã vừa và nhỏ khác trong ngành như ITA, FLC, ROS, HQC… cũng đồng loạt đảo chiều giảm sau phiên hồi phục cuối tuần trước.
Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng MBB dẫn đầu thị trường với hơn 21,38 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là HPG khớp 15,17 triệu đơn vị, cặp STB và FLC cùng khớp 14,5 triệu đơn vị…
Bên cạnh MBB và STB, các mã bank các cũng giao dịch sôi động trong phiên sáng nay như TCB và CTG cùng khớp hơn 11 triệu đơn vị, ACB khớp hơn 9 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau hơn 30 phút nỗ lực đầu phiên, thị trường đã quay đầu giảm khá mạnh trước áp lực bán khá lớn trên diện rộng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 5,09 điểm (-1,22%) xuống 412,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,1 triệu đơn vị, giá trị 1.668,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,83 triệu đơn vị, giá trị 94,46 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là L14 tăng 6,7%, HUT tăng 2,5%, CEO tăng 1,9% và PVS tăng 1,4%, mặc dù đầu phiên L14 và CEO vẫn giữ được đà tăng trần.
Trái lại, có tới 24 mã trong rổ này giảm điểm, với LHC giảm mạnh nhất khi để mất 8,4% xuống 168.000 đồng/CP; tiếp đó NBC, TVC, NDN, TAR cùng giảm hơn 6%.
Cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường như IDC giảm 5,1% xuống mức 61.500 đồng/CP, SHS giảm 5,9% xuống 38.600 đồng/CP, VCS giảm 1,6%, THD và KSF điều chỉnh nhẹ…
Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng có phiên giao dịch khá tiêu cực như ART giảm 6,3%, TVC giảm 6,3%, VIG giảm 7,4%, MBS giảm 5,4%, APS giảm 6,1%...
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như các thành viên khác họ FLC, cổ phiếu KLF cũng quay đầu giảm mạnh trong phiên sáng nay, thậm chí có lúc nằm sàn. Kết phiên, KLF giảm 6,1% xuống mức 6.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 11,43 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là PVS khớp gần 6,9 triệu đơn vị và CEO khớp 6,12 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng giảm sâu về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, thị trường UPCoM có 82 mã tăng và 182 mã giảm, UPCoM-Index giảm 1,37 điểm (-1,25%) xuống 108,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,44 triệu đơn vị, giá trị 559,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,73 triệu đơn vị, giá trị 25,16 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, trên UPCoM, các cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch khởi sắc như BSR tăng 1,6% lên mức 24.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 5,38 triệu đơn vị; còn OIL tăng 1% lên 19.400 đồng/CP và khớp 1,11 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã lớn khác giao dịch không mấy khả quan như ACV giảm 0,9%, MSR và MCH cùng giảm 0,4%, VGI giảm 2,3%, QNS giảm 1,3%, VGT giảm 3,2%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VHG lại quay xe giảm mạnh sau phiên khởi sắc cuối tuần trước. Chốt phiên, VHG giảm 5% xuống mức 9.600 đồng/CP và khớp 3,15 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau BSR.
Tác giả: T.Thúy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy