Năm 2018 đã khép lại với nhiều thăng trầm đối với bức tranh giáo dục. Có những mảng tối khiến cả xã hội sững sờ, xót xa và những mảng sáng cùng nhiều hi vọng. Đó là niềm hi vọng vào chương trình mới mà Bộ vừa thông qua và đặc biệt là những lời hứa giảm áp lực cho giáo viên của vị Tư lệnh ngành.
Vấn đề áp lực nhà giáo được bàn đến nhiều xưa nay. Người ngoài cuộc thì bảo có mỗi vấn đề cứ làm quá lên, người trong cuộc có lẽ ngao ngán lắc đầu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Có lẽ, công việc nào cũng có áp lực đặc thù. Có áp lực mới tạo động lực để phát triển. Nghề giáo từ xưa đến nay luôn được quan tâm đặc biệt nên áp lực lại càng lớn.
Áp lực với nhà giáo đến từ đâu? Câu trả lời có thể nói là mọi phía; từ chương trình nặng nề, từ các chỉ tiêu thi đua, từ hàng chục đầu sổ sách, từ hàng trăm cuộc họp, hàng nghìn biên bản, giấy tờ và từ chính phía các bậc phụ huynh đang ngày càng có xu thế trao cho con em mình nhiều đặc quyền, đặc lợi dẫn đến dân chủ thái quá trong môi trường sư phạm.
Chưa kể chương trình, phương pháp nay tách ra, mai nhập vào, cứ khắc xuất, khắc nhập như cây tre trăm đốt của anh Khoai trong câu chuyện cổ tích. Đành rằng các cấp lãnh đạo thanh kiểm tra dựa vào các đầu số liệu, các đầu tên biên bản và trăn trở đổi mới để hướng đến mục tiêu tốt hơn cho nền giáo dục nước nhà nhưng vô hình trung đã buộc một sợi dây nhiều nút với các nhà giáo. Chỉ riêng giấy tờ, sổ sách, biên bản cũng đã mờ mắt. Quá nhiều những điều còn hình thức, xa rời thực tiễn và ít mang lại hiệu quả và dẫn đến đối phó cho... đủ.
Mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu vấn đề giáo dục 2019 sẽ có nhiều thay đổi nhất là giảm áp lực cho giáo viên đã gieo thêm niềm tin, sự phấn chấn cho giáo viên cả nước.
Bỏ đi những lực cản
Nhìn lại năm 2018, từ Nghệ An, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường Phan Bội Châu bày tỏ năm qua ngành giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông đã trải qua nhiều biến đổi và sóng gió.
“Hy vọng, đó là thực tiễn rất cần, thực tế rất quý để bộ GD&ĐT nhìn nhận một cách trung thực và khách quan để từng bước điều chỉnh, sửa đổi những chủ trương, chính sách đã không còn phù hợp, thậm chí là lực cản để đưa ngành giáo dục có những chuyển biến tích cực và rõ nét trong năm 2019”, thầy Hiếu nhìn nhận.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu kỳ vọng những lực cản ngăn bước ngành giáo dục sẽ được loại bỏ.
Thầy Hiếu cho biết, việc Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra khẩu hiệu của năm 2019 là “giảm áp lực cho giáo viên” khiến cho những người trực tiếp đứng lớp như thầy cởi bỏ đi những cản trở để sáng tạo và “lái những con đò” thành công viên mãn. “Chúng tôi, những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp và đối mặt nhiều thách thức luôn mong mỏi, hy vọng và đợi chờ sự cầu thị và biết lắng nghe đầy thiện chí của lãnh đạo bộ GD&ĐT. Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin cũng sẽ mất tất cả. Giáo viên, học sinh, phụ huynh chính là chủ nhân, là động lực góp phần thực hiện từng bước và có hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo”.
“Nhiều thử thách của năm 2019 sẽ như những bài "test" khả năng điều hành, phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo giữa lãnh đạo bộ GD&ĐT với các địa phương.
Theo tôi, ở mảng giáo dục phổ thông trong năm 2019, bộ GD&ĐT nên dồn lực, dồn trí, dồn tâm giải quyết 2 vấn đề nổi cộm: Thứ nhất, từng bước triển khai, cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông các môn học.
Thứ 2, phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước xử lý triệt để những vụ việc tiêu cực, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương và cần soạn thảo, ban hành các văn bản, chế tài trong thẩm quyền của Bộ để từng bước phối hợp với các địa phương theo phân cấp quản lý để lập lại trật tự, kỷ cương trường học, bạo lực học đường”, thầy Hiếu góp ý.
Cần quan tâm hơn nữa tới vùng cao
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà – giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - một huyện vùng cao, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn cũng nói lên nhiều trăn trở khi trao đổi với chúng tôi. Qua quá trình công tác, lại từng là học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử, hơn ai hết, cô hiểu được những khó khăn, vất vả trong sự nghiệp giáo dục học sinh ở miền núi.
Đối với cô, được trở thành người giáo viên đó là niềm tự hào, cô chia sẻ: “Bản thân tôi luôn cố gắng học tập, tu dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để làm tròn được nhiệm vụ thiêng liêng của sự nghiệp trồng người. Tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục đối với các thầy cô và các em học sinh… Mong rằng, sang năm 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với thầy trò ở các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo…"
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà – giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
"Trong những năm qua, cùng với những đổi thay của tình hình đất nước, bản thân tôi cảm nhận được những thay đổi lớn lao của ngành giáo dục so với trước đây. Đó là về chương trình sách giáo khoa, về phương pháp, phương tiện dạy học… Tôi nghĩ trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ thì đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu cấp thiết.
"Cũng như bao đồng chí, đồng nghiệp khác, bản thân tôi hi vọng vào những đổi mới căn bản ấy. Thiết nghĩ, đổi mới không phải là thay đổi hoàn toàn mà là phát triển trên cơ sở kế thừa để đi đến thành công. Đó chính là tình yêu, lòng tin, lòng nhiệt huyết… Làm sao để tình yêu ấy, nhiệt huyết ấy luôn cháy và có sức lan tỏa tới toàn ngành giáo dục? Trước mắt là kì thi THPT Quốc gia năm 2019. Đó là sự thay đổi không hề nhỏ. Dù đã được đọc đề thi tham khảo, nhưng bản thân tôi vẫn băn khoăn là “nội dung kiến thức nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12”, có nghĩa là có đưa thêm nội dung kiến thức lớp 10 không, nếu có thì tỉ lệ là bao nhiêu? (trong đề thi tham khảo môn Lịch sử chỉ có kiến thức lớp 11, 12)”, cô Hà tâm tư.
“Tiếp nữa là chương trình, sách giáo khoa mới. Chúng tôi biết rằng đây là sự thay đổi cơ bản và bản thân phải cố gắng hết mình để đáp ứng được yêu cầu ấy. Hơn ai hết, chúng tôi rất cần sự quan tâm, chia sẻ… của toàn xã hội. Chúng tôi mong sớm nhất sẽ được tập huấn chương trình, SGK mới”, cô giáo băn khoăn về những thay đổi sắp tới trong chương trình giáo dục Phổ thông mới.
Cuối cùng cô giáo này mong mỏi bài toán về việc làm của sinh viên có thể được giải quyết một cách căn bản trong năm 2019.
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy