Giáo viên trường Mầm non Sơn Ca 14, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh dạy trẻ nhận biết đồ vật. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Giảm yêu cầu tiêu chuẩn nghề nghiệp, giảm tới 6 năm thời gian giữ hạng đồng thời kiến nghị Chính phủ giảm tuổi nghỉ hưu, tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tinh giản biên chế... là hàng loạt giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ triển khai.
Đây là những thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cụ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sáng 22/11 tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.
Cắt yêu cầu chứng chỉ, rút ngắn thời gian nâng hạng
Ông Phạm Anh Tuấn cho hay hiện cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu trên 44.000 giáo viên, chiếm trên 40%. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.
Trước những thực trạng này, để thu hút nhân lực, nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, ông Tuấn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến giáo viên mầm non.
Cụ thể, bộ sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỷ lệ giáo viên/lớp sang tỷ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường. Bộ cũng sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; giảm thời gian giữ hạng giáo viên mầm non hạng 3 lên hạng 2 từ 9 năm xuống còn 3 năm…
Làm việc vất vả, nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp đang là thực trạng của giáo viên mầm non.(Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến vấn đề bồi dưỡng giáo viên, bộ dự kiến bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên; giao thẩm quyền công nhận hoàn thành bồi dưỡng thường xuyên cho sở giáo dục và đào tạo; cập nhật các mô đun bồi dưỡng thường xuyên mới phù hợp đổi mới giáo dục mầm non trong giai đoạn mới. Bộ cũng sẽ đổi mới phương thức bồi dưỡng theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nâng cao chất lượng tập huấn.
Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm, xây dựng các cơ sơ đào tạo giáo viên mầm non hiện đại về cơ sơ vật chất, mạnh về năng lực chuyên môn để đào tạo thế hệ giáo viên mầm non tương lai cho đất nước.
Tăng lương, nghỉ hưu sớm
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang kiến nghị với Chính phủ hàng loạt chính sách cho giáo viên mầm non.
Cụ thể là việc giữ quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi thay vì tăng lên 60 tuổi để phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trình Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng/hợp đồng giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ tăng lương và giảm thời gian nghỉ hưu cho giáo viên mầm non. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, bộ kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.” Cụ thể là xếp lương bậc 2 cho giáo viên mới tuyển dụng vào ngành giáo dục như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ về chính sách tiền lương mới cho nhà giáo.
Đối với giáo viên hợp đồng cần đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hương phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như giáo viên trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non theo hướng nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hương mức 100%. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.
Không giảm biên chế với bậc mầm non, tiểu học
Trước thực trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở mầm non và tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp. Trước mắt, xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ xem xét không tinh giản biên chế 10% cào bằng giữa các vùng, miền trong cả nước. Có thể tính đến điều kiện vùng, miền trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với vùng thuận lợi, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể nhiều hơn 10% và đối với vùng khó khăn, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể dưới 10%.
Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp của các vùng trên cả nước đều dưới định mức.
Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương bảo đảm đủ số lượng người làm việc để đảm bảo chất lượng giáo dục. Các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao chưa sử dụng, không để dành chỉ tiêu để cắt giảm 10% cho việc thực hiện tinh giản biên chế một cách cơ học. Trong đó cần tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 72/QĐ-TW và Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đơn vị này đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, đến năm 2026, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức các cơ sơ giáo dục mầm non gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; thí điểm chuyển đổi mô hình các cơ sơ giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập nâng cao trình độ…); xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác; có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục./.
Tác giả: Phạm Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy