Dòng sự kiện:
Giới đầu tư có tuần vui nhất kể từ cuối năm 2020
20/03/2022 09:40:29
Các TTCK có tuần giao dịch đầy hứng khởi, nhờ tâm lý tích cực về các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, giá dầu thô đã cho tín hiệu tăng chậm lại và Fed không quá diều hâu trong việc điều hành lãi suất.

Phố Wall nới đà tăng trong phiên ngày thứ Sáu (18/3), với sự thúc đẩy lớn nhất từ ​​các cổ phiếu công nghệ, vốn đã giảm sâu gần đây và thúc đẩy thị trường ghi nhận tuần tăng tốt nhất trong hơn một năm qua.

Thị trường phản ứng tích cực với cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong không khí lạc quan và xây dựng, khi cả hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities ở New York, cho biết: “Kết quả cuộc họp diễn ra đúng như mong đợi”, ông nói thêm rằng, vì các cuộc đàm phán Nga-Ukraine vẫn đang tiếp tục, các nhà đầu tư cũng đang có xu hướng lạc quan hơn.

Ngoài ra, các hành động của Fed ít diều hâu hơn dự kiến, tâm lý giới đầu tư cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi giá dầu thô tăng chậm lại cũng ủng hộ thị trường, Steve Sosnick, Chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers ở Greenwich cho biết.

Phiên này, 10 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 tăng điểm, với công nghệ và tiêu dùng đều tăng 2,2%, trong khi dịch vụ truyền thông tăng 1,4%.

Trong đó, các cổ phiếu công nghệ như Salesforce và Apple nằm trong số những mã tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 3,9% và 2%. Cổ phiếu Nvidia tăng 6,8%, Meta Platforms (Facebook) tăng 4%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu Moderna, khi tăng 6,3%, sau khi nhà sản xuất thuốc này đệ trình yêu cầu lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép tiêm vắc-xin Covid-19 tăng cường lần thứ hai.

Về mặt kỹ thuật, khối lượng giao dịch trên S&P 500 đã đạt tới 18,47 tỷ cổ phiếu trong phiên, cao gấp đôi mức trung bình trong 30 phiên qua. Vào ngày thứ Sáu, có khoảng 3,5 nghìn tỷ USD quyền chọn cổ phiếu và cấp chỉ số ước tính sẽ hết hạn. Đồng thời, nhiều quyền chọn gần tiền hơn dự kiến sẽ đáo hạn bất kỳ lúc nào kể từ năm 2019.

Theo một số chuyên gia phân tích, thị trường tăng điểm mà khối lượng giao dịch cao cũng mang đến những lo ngại nhất định, nhưng quan trọng là sự ổn định mang đến chứng tỏ hấp thụ chiều tăng và giảm đều rất ổn.

Tuy nhiên, vẫn có những phân tích cho rằng, còn quá sớm để nhận định khối lượng tăng cao và điểm số xanh là là tạo đáy đi lên, họ cho rằng, khối lượng cao vì các hợp đồng đáo hạn không có ý nghĩa rõ ràng.

Dù vậy, nếu tính tới các yếu tố cơ bản và tâm lý đang tích cực hơn thì cơ hội bật lên trong tuần tới là khá ổn, khi nhiều quỹ đang giữ lượng lượng tiền mặt khá cao với bình quân.

Kết thúc tuần qua, cả ba chỉ số chính của Phố Wall có mức tăng tốt nhất nhất kể từ đầu tháng 11/2020 với S&P tăng 6,2%, Dow tăng 5,5% và Nasdaq tăng 8,2%.

Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Dow Jones tăng 274,17 điểm (+0,80%), lên 34.754,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 51,45 điểm (+1,17%), lên 4.463,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 279,06 điểm (+2,05%), lên 13.893,84 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng, khi các nhà đầu kỳ vọng cao vào các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, nhưng tâm lý thận trọng cũng dành cho cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,91% lên 454,60 điểm và trong tuần tăng hơn 5,4% và có tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2020, nhờ sự lạc quan về hòa bình sẽ được thiết lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Thị trường cũng tập trung quan sát cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh luôn "ủng hộ hòa bình và phản đối chiến tranh", kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev cần đi theo con đường ngoại giao.

Một số cổ phiếu đáng chú ý trong phiên này như Vodafone của Anh tăng 1,3%, sau có thông tin các quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu đã tiếp cận gã khổng lồ viễn thông này để đầu tư vào công ty Vantage Towers. Cổ phiếu của Vantage Towers sau đó đã tăng 10,8%.

Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Đức, Vonovia đã giảm 3,3% ngay cả khi họ nói rằng họ đang có "sự tăng trưởng đáng kể" sau một năm đạt kỷ lục và việc mua lại đối thủ nhỏ hơn Deutsche Wohnen vào năm 2021.

Kết thúc phiên 18/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 19,39 điểm (+0,26%), lên 7.404,73 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 25,03 điểm (+0,17%), lên 14.413,09 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 7,72 điểm (+0,12%), lên 6.620,24 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản thêm một phiên tăng điểm trong ngày thứ Sáu và ghi nhận tuần khởi sắc nhất trong gần hai năm qua.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, với các nhà phát triển bất động sản dẫn đầu, nhờ kỳ vọng nới lỏng tín dụng, sau khi quan chức cấp cao của nước này đảm bảo sự ổn định nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, nhưng ghi nhận tuần có hiệu suất tốt nhất trong sáu tuần qua nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục mạnh.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và có tuần tốt nhất trong sáu tuần, khi thị trường dõi theo mức tăng qua đêm trước đó trên Phố Wall.

Kết thúc phiên 18/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 174,54 điểm (+0,65%), lên 26.827,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,03 điểm (+1,12%), lên 3.251,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,83 điểm (-0,41%), xuống 21.412,40 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 12,51 điểm (+0,46%), lên 2.707,02 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Sáu lao dốc trở lại do các thị trường chứng khoán hút mạnh dòng tiền trú ẩn ra khỏi kim loại quý.

Mặc dù vàng “lao dốc không phanh” trong tuần qua, nhưng tâm lý trên thị trường vẫn mạnh mẽ khi giá tiếp tục giữ mức hỗ trợ rõ ràng trên 1.900 USD trong bối cảnh bất ổn và biến động gia tăng.

Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ động lực lớn cho vàng và dự báo giá vàng có thể dễ dàng một lần nữa trở lại mức 2.000 USD/ounce vào tuần tới.

Kết thúc phiên 17/3, giá vàng giao ngay giảm 20,5 USD xuống 1.921,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 23 USD xuống 1.922,6 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục đà hồi phục trong phiên cuối tuần, sau khi vọt gần 8% trong phiên trước đó do lo ngại nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,72 USD (+1,64%), lên 104,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,29 USD (+1,20%), lên 107,93 USD/thùng.

Tác giả: Lạc Nhạn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến