Rủi ro từ các thị trường
Nỗi lo sợ về thị trường bất động sản có thể đóng băng trở lại không chỉ ám ảnh các nhà đầu tư trong khu vực này, mà còn đến cả các ngân hàng – những người luôn tích cực hỗ trợ vốn vay cho một trong những kênh đầu tư phổ biến và có suất sinh lời hấp dẫn nhất. Với lãi suất cho vay dành cho nhóm khách hàng này gần như cao nhất trong số các phân khúc, thì không ít ngân hàng khó kiềm chế được lòng tham và vẫn đẩy mạnh rót vốn vào khu vực vốn đầy rủi ro này.
Thậm chí để lách các quy định, định hướng về cho vay bất động sản, các ngân hàng đã đưa dư nợ cho vay bất động sản vào sản phẩm cho vay tiêu dùng như giới phân tích đã chỉ ra thời gian qua, vì vậy dư nợ cho vay tiêu dùng trong 3 năm trở lại đây mới tăng vọt như thế. Mặc dù các con số thống kê cho thấy, tỷ trọng dư nợ bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ, nhưng nếu tính luôn phần dư nợ núp bóng tiêu dùng thì tỷ trọng cho vay bất động sản có thể lên đến gần 20%, xấp xỉ hơn 1.4 triệu tỷ đồng ước tính đến cuối 2018.
Chính vì vậy, mỗi khi ngành bất động sản có dấu hiệu hắt hơi, thì ngành ngân hàng cũng khó lòng “ăn ngon ngủ kỹ”. Điều này vốn cũng đã từng xảy ra trong quá khứ, như đợt khủng hoảng của ngành ngân hàng giai đoạn gần đây nhất, buộc nhà điều hành phải tiến hành tái cấu trúc, thì một trong những nguyên nhân chính cũng đến từ thị trường bất động sản lao dốc và đóng băng khiến nợ xấu các ngân hàng gia tăng ngoài tầm kiểm soát.
Và thời điểm này đã dần xuất hiện nhữn dấu hiệu rủi ro lên thị trường bất động sản, mà có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và càng khiến thị trường trở nên nguy hiểm. Những con sóng nhà đất khó lường tại nhiều địa phương với giá cả bị đẩy lên là dấu hiệu bong bóng rõ ràng. Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn rút dần ra để hạn chế thiệt hại, nhất là khi ngày càng nhiều vụ thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm, vi phạm tại các dự án.
Về phía các nhà băng, một khi nhận thấy rủi ro gia tăng họ cũng sẽ tìm cách rút ra dần hoặc ít nhất là hạn chế đầu tư thêm vào lĩnh vực này. Thực tế năm 2018 vừa qua cũng đã chứng kiến một số ngân hàng trở nên thận trọng hơn và hạn chế cho vay vào lĩnh vực này.
Rủi ro không chỉ đến từ thị trường bất động sản, mà ở mảng tăng trưởng mạnh nhất thời gian qua với suất sinh lời hấp dẫn là cho vay tiêu dùng, cũng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu ngày càng gia tăng. Các ngân hàng, công ty tài chính sau thời kỳ phát triển cho vay tiêu dùng ồ ạt với lãi suất vượt trội, đua nhau cạnh tranh bằng chính sách thẩm định dễ dãi và giải ngân tốc độ, dường như đang đến thời kỳ đối mặt với hậu quả của việc chính sách quản lý lỏng lẻo và thiếu kiểm soát.
Thực tế là nhiều công ty tài chính, ngân hàng đang bắt đầu ghi nhận nợ xấu tăng vọt từ các khoản cho vay tiêu dùng. Cần biết rằng, một khách hàng có thể lựa chọn vay nhiều khoản vay tiêu dùng tại nhiều ngân hàng khác nhau. Do đó, khi một ngân hàng chuyển nợ quá hạn, thì các khoản vay còn lại của khách hàng này dù còn trong hạn tại các ngân hàng khác nhưng cũng sẽ bị xếp là quá hạn. Đó chính là nguy cơ lớn nhất có thể đẩy nợ xấu toàn ngành tăng vọt ở lĩnh vực vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Thời gian vừa qua cũng chứng kiến hàng loạt diễn biến đáng chú ý quanh sản phẩm này của các tổ chức tài chính, từ những vụ đòi nợ gây phiền lòng khách hàng, cho đến bẫy lãi suất mà báo chí đã khai thác suốt thời gian dài. Năm 2018 cũng là năm chứng kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp nhắc nhở các ngân hàng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, thậm chí đã bắt đầu cảnh báo hạn chế cho vay đối với lĩnh vực này. Động thái này cho thấy nhà điều hành cũng đã nhận ra những rủi ro tiềm ẩn đối với loại hình cho vay này đến hoạt động của ngành.
Ảnh hưởng từ nguy cơ giảm tốc
Trong khi đó, chính sách tiền tệ sau nhiều năm nới lỏng hiện đã dần thắt chặt trở lại, theo đó cũng có thể khiến những khoản nợ xấu dần hiện ra.
Trước hết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn, dòng vốn cho vay eo hẹp hơn sẽ khiến hoạt động tái cơ cấu nợ tại các ngân hàng bị hạn chế, do các ngân hàng cần phải tận dụng chỉ tiêu tăng trưởng khiêm tốn để tăng trưởng dư nợ mới và phát triển khách hàng mới.
Sau đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ hơn, không chỉ về tốc độ tăng trưởng mà còn là những lĩnh vực bị hạn chế rót vốn, thì các thị trường như bất động sản lại càng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, thị trường này sẽ càng bị hạn chế dòng vốn mới tham gia và rồi đến lượt nó quay trở lại ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động của các ngân hàng.
Ngoài ra, với những quy định mới như tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã chính thức giảm từ 45% về còn 40% từ đầu năm 2019, các quy định về hệ số an toàn vốn theo thông tư mới chuẩn bị có hiệu lực nhưng việc tăng vốn tự có của các ngân hàng rất khó khăn, hệ số rủi ro cho vay bất động sản đã nâng từ 150% lên 250%, thì dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản – lĩnh vực luôn cần nguồn vốn trung dài hạn rất lớn, sẽ càng bị ảnh hưởng.
Chẳng những vậy, chính sách thắt chặt có thể còn đi kèm với mặt bằng lãi suất lên cao hơn, một trong những yếu tố cũng có thể làm tăng nợ xấu và quá khứ cũng đã từng cho thấy điều này. Thực tế, với lãi suất có xu hướng gia tăng gần đây, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay đã khiến một bộ phận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe gặp nhiều khó khăn với việc trả nợ hơn, do bị mất cân đối về tài chính khi lãi vay tăng nhanh đột ngột. Nếu như xu hướng này không dừng lãi, thì sẽ đến lượt các khách hàng doanh nghiệp với những khoản vay có giá trị lớn hơn sẽ thật sự lao đao và nợ xấu gia tăng là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, nguy cơ nền kinh tế giảm tốc với sức cầu tiêu dùng suy giảm trở lại cũng có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, và họ có thể lựa chọn tạm thời thu hẹp hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, những lời cảnh báo về một chu kỳ khủng hoảng mới của kinh tế thế giới cùng với quan hệ thương mại giữa các nước vẫn căng thẳng, chính sách bảo hộ gia tăng cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp nói chung và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Một khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thì các ngân hàng có lý do để lo lắng cho những khoản vay của mình.
Năm 2018 cũng là năm chứng kiến NHNN liên tiếp nhắc nhở các ngân hàng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, thậm chí đã bắt đầu cảnh báo hạn chế cho vay đối với lĩnh vực này, động thái cho thấy nhà điều hành cũng đã nhận ra những rủi ro tiềm ẩn đối với lọai hình cho vay này đến hoạt động của ngành. |
Theo FILI
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy