Ông Trần Đình Ngân, Giám đốc Ban điều hành Tổng công ty 319 cho biết, giai đoạn đầu sau khởi công đơn vị gặp khó khăn về vật liệu đất, cát phục vụ thi công đắp nền đường, thế nhưng nhà thầu đã chấp nhận mua vật liệu từ các mỏ thương mại để đáp ứng 1 phần sản lượng.
Với sự hỗ trợ, vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đến nay nhà thầu đã được cấp phép 2 mỏ đất và 1 mỏ cát.
Bãi đúc 3 loại cấu kiện tại gói thầu XL11, đoạn đầu dự án Hàm Nghi - Vũng Áng
"Mặt bằng đã giải phóng được 85%, nhờ sự vào cuộc của chủ đầu tư và chính quyền. Ngay từ thời điểm này chúng tôi đang triển khai xây dựng lán trại và huy động đầy đủ máy móc để phục vụ khai thác mỏ đất, mỏ cát. Tôi khẳng định thi công toàn bộ phần cầu sẽ vượt tiến độ hợp đồng; về phần đường chúng tôi sẽ tổ chức thi công tăng ca tăng kíp để bù lại một phần tiến độ bị chậm trong giai đoạn đầu chưa đủ vật tư vật liệu", ông Trần Đình Ngân nói.
Ông Trần Đình Ngân cũng cho biết thêm, hiện nay phần đào đắp hữu cơ tuyến chính và đường gom đã đạt 90%, đắp K95 đạt hơn 3km; các hạng mục cầu đang triển khai thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm, tiến độ chung đạt gần 9% giá trị hợp đồng. Đặc biệt, cầu tại Km507 đã thi công xong toàn bộ mố, xà mũ, trụ, cuối tháng 8 sẽ gác những phiến dầm đầu tiên, dự kiến cây cầu này sẽ là hạng mục đầu tiên về đích.
Tại bãi đúc cấu kiện khu vực nút giao với QL8A, đầu tuyến dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi, hàng chục công nhân cùng máy móc thiết bị thuộc nhà thầu Vinaconex cũng đang đúc các loại cấu kiện như dầm cầu, ống cống và thi công cọc khoan nhồi cầu Kỳ Cát. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên một số vị trí mặt bằng dù đã được bàn giao nhưng nhà thầu chưa bố trí đủ máy móc, nhân lực thi công.
Hơn 130 đầu xe máy thiết bị và hơn 300 công nhân nhà thầu Tổng Công ty 319 thi công gói thầu XL11, dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi
Ông Phạm Thế Công, Giám đốc Ban điều hành Vinaconex, gói thầu XL11, giải thích, mặt bằng thi công hiện đã sẵn sàng với trên 92% nhưng thời gian qua do chưa có nguồn vật liệu nên việc thi công chưa thể triển khai đồng loạt. Hiện các hồ sơ, thủ tục đưa mỏ vật liệu vào khai đang được hoàn thiện, trong đó việc thỏa thuận đền bù mặt bằng cho các hộ dân đang gấp rút triển khai. Dự kiến sau khi được phép khai thác mỏ trong tháng 8 Vinaconex sẽ triển khai ồ ạt các mũi thi công.
"Giá trị sản lượng của Vinaconex đạt hơn 3,5%, chậm so với kế hoạch do nguồn vật liệu, gần 7 tháng rồi chưa có vật liệu. Hiện tại trong đoạn tuyến 22km do mặt bằng xôi đỗ nên đang bố trí thi công rải rác từ đầu tuyến cho đến cuối tuyến, chủ yếu tập trung ở 2 vị trí nút giao QL8A và khu vực núi Long Tương", ông Phạm Thế Công nói.
Ông Hoàng Chiến Thắng, GĐ dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi khẳng định, tiến độ thi công của Vinaconex thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết cho từng hạng mục và sẽ giám sát chặt chẽ, nếu nhà thầu tiếp tục không đáp ứng được tiến độ sẽ điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác.
Liên quan đến cấp mỏ vật liệu, ông Hoàng Chiến Thắng cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã rất tích cực, tháo gỡ xong thủ tục cấp mỏ vật liệu, hiện dự án đã được cấp 4 mỏ đất và 1 mỏ cát, chỉ còn bước cuối cùng là thỏa thuận với người dân về giá đền bù là có thể đưa vào khai thác.
Mới đây một số gia đình cán bộ, đảng viên đã đồng thuận giá đền bù và nhận đặt cọc, song vẫn còn một số hộ dân đòi bồi thường rất cao, thậm chí yêu cầu nhà thầu phải lấy toàn bộ số đất hiện có, vượt quá nhu cầu của dự án, gây khó khăn cho nhà thầu.
"Đến giờ này thủ tục cấp mỏ của địa phương đã xong, còn thỏa thuận với người dân xong nữa thì có thể khai thác ngay để triển khai thi công dự án. Nhưng hiện còn một vấn đề nữa là, ví dụ một hộ dân có 4 nghìn m2, mỏ quy hoạch chỉ lấy có 2 nghìn m2 nhưng người dân yêu cần lấy nốt 2 nghìn phía ngoài, gây khó cho nhà thầu vì lấy thêm cũng không biết làm gì, bởi nhà thầu lấy mỏ và khai thác xong lại bàn giao lại cho địa phương" - ông Thắng chia sẻ.
Tại thuộc gói thầu XL12, dự án Hàm Nghi - Vũng Áng hiện đã đắp được hơn 4km nền đường K95 nhờ tận dụng đất đắp được điều phối từ khu vực đồi tại Km560
Trong khi đó, tại dự án thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng tranh thủ thời tiết nắng ráo, hàng chục máy lu, máy xúc, máy cẩu, xe ben thi công gói thầu XL11 cũng đang hoạt động rầm rộ phần nền đường, cầu cống và hầm chui trên tuyến. Đặc biệt, tận dụng đất tại khu vực đồi Km535 thi công đường công vụ và đắp nền đường K95.
Ông Đặng Hồng Kiên, Giám đốc điều hành gói thầu XL11– Nhà thầu DN xây dựng Xuân Trường cho biết, thời gian đầu thi công gặp nhiều khó khăn về mỏ vật liệu, nhưng đến nay cơ bản đã được địa phương và chủ đầu tư tháo gỡ, tiến độ đạt hơn 10% giá trị sản lượng, trong đó nhà thầu đang bố trí 10 mũi thi công cầu cống, nền đường và hiện đã đắp được hơn 4km nền đường K95. Tuy nhiên trên tuyến hiện còn vướng mắc liên quan đến an toàn đê điều tại khu vực cầu Kẻ Gỗ, các thiết bị đặc chủng phục vụ thi công cầu không được phép di chuyển trên đê khiến việc thi công gặp trở ngại.
"Cầu Kẻ Gỗ là cầu có chiều dài lớn nhất ở gói thầu này, hiện có vướng mắc là vượt kênh thoát nước của hồ Kẻ Gỗ, do vướng kênh nên chưa được cấp phép thi công. Hiện tại nhà thầu đang phải khắc phục bằng cách đi vòng và mượn đường của địa phương để kịp thi công. Tới đây chúng tôi sẽ trình các cấp để xử lý cấp phép và thi công bình thường."
Tại gói thầu XL12 hiện cũng đã đắp được hơn 4km nền đường K95 nhờ tận dụng đất đắp được điều phối từ khu vực đồi tại Km560.
Anh Lương Hùng Mạnh, cán bộ kỹ thuật gói thầu XL12 – Nhà thầu DN xây dựng Xuân Trường chia sẻ, tranh thủ thời tiết tốt nhà thầu đang tập trung máy móc thiết bị đào đắp nền đường K95 và lắp trạm nghiền đá để phục vụ thi công đắp K98 và móng cấp phối đá dăm khi vào mùa mưa: "Bây giờ mặt bằng không vướng, đơn vị đang tập trung tận dụng thời tiết nắng ráo để làm, đang thi công đắp K95 và đang đang đẩy nhanh lắp trạm nghiền đá, làm sao để mùa mưa mình còn tiến hành thi công được. Tận dụng đồi trong thiết kế, từ Km559+600 đến Km560+460, tận dụng đá cấp 3 và đá cấp 2 làm lớp K98 và lớp base, phân phối cho toàn tuyến để làm. Nếu không nghiền đá kịp thời vào mùa mưa toàn bộ máy móc đình trệ, những bước tiếp theo sẽ không có công địa để làm và không kịp tiến độ."
Ngoài ra, tại 2 dự án còn các vướng mắc về hạ tầng kĩ thuật như đường điện, công trình ngầm chưa được di dời. Liên quan đến việc chuyển đổi rừng phải trồng rừng thay thế đang vướng Thông tư số 25 vì quy trình thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tháo gỡ, bằng cách sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tạm nộp tiền trồng rừng thay thế trong khi chờ sửa Thông tư 25.