Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 đến Km76 là dự án trọng điểm của tỉnh, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 64,5km. Đến hết tháng 7/2024, dự án có giá trị xây lắp thực hiện khoảng 2.290 tỷ đồng, đạt 82% theo hợp đồng.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chậm so với kế hoạch chỉ đạo của Sở GTVT Nghệ An. Chủ đầu tư đặt ra mục tiêu đến quý 4/2024 dự án phải cơ bản hoàn thành. Trong đó, toàn bộ phần mặt đường phải thi công xong trước 30/12/2024.
Nguyên nhân là do trên toàn tuyến hiện vướng mặt bằng tại 9 điểm, với tổng chiều dài còn lại gần 2,1km. Trong đó, Tx. Hoàng Mai 0,2km; huyện Quỳnh Lưu còn 0,7 km; Diễn Châu 0,3km; nhiều nhất là huyện Nghi Lộc, hiện còn lại gần 0,9km.
Dự án đường ven biển còn nhiều vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.
Để đốc thúc dự án, đầu tháng 6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã đi kiểm tra trực tiếp, yêu cầu các địa phương còn vướng mắc phải tiếp tục vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng thi công.
Đồng thời, Sở GTVT Nghệ An phải tập trung cao độ để chỉ đạo các nhà thầu thi công gói thầu XL01 tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, nhất là bố trí đủ nguồn lực tài chính, nguyên vật liệu san lấp mặt bằng, nền đường để thi công, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp gặp người dân để tháo gỡ nút thắt về mặt bằng. Ảnh Phạm Bằng.
Dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (huyện Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (huyện Tân Kỳ) có chiều dài 21,36km, tổng mức đầu tư 684,431 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đến thời điểm hiện nay, giá trị xây lắp thực hiện hết tháng 7/2024 khoảng 513 tỷ đồng, đạt 96% theo hợp đồng.
Chỉ còn khoảng hơn 3km tiếp giáp giữa xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương với xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ mặc dù đã thông đường nhưng chưa đổ nhựa, nhà thầu vẫn đang khẩn trương thi công san ủi đất tại các điểm xung yếu.
Tuy nhiên, về công tác giải phóng mặt bằng, hiện còn một hộ dân tại phạm vi nút giao QL48E, và 5 hộ phạm vi nút giao với đường Hồ Chí Minh.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu cố gắng tuyên truyền, vận động người dân đồng tình với phương án bồi thường, hạn chế tối đa việc cưỡng chế. Các địa phương phải tăng cường quản lý quy hoạch 2 bên tuyến đường, để phát huy tối đa hiệu quả của dự án.
Dự án giao thông Quốc lộ 7C chỉ còn vướng mắc tại nút giao đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đại diện UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính tham mưu, bố trí, bổ sung nguồn vốn còn lại cho dự án; Còn riêng các nhà thầu phải thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại để bàn giao công trình và đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
"Do diện tích còn vướng giải phóng mặt bằng ít và phần đất ngoài hàng rào của 5 hộ dân, vì vậy, sau chỉ đạo vừa qua của Chủ tịch UBND tỉnh, tới đây huyện sẽ làm tờ trình gửi Sở Giao thông vận tải, có thể điều chỉnh dự án để không giải phóng mặt bằng nữa", ông Nguyễn Văn Hoa cho hay.
Gỡ khó cho công tác giải ngân
Ngày 8/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.
Hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2024. Ảnh: Phạm Bằng.
Trong năm 2023, Nghệ An đã hoàn thành mục tiêu giải ngân được Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 95,05%/mục tiêu trên 95%), cao hơn so với thực hiện năm 2022 (84,86%/KH giao đầu năm và 78,37%/tổng KH giao) và cao hơn bình quân chung cả nước (93,12%).
Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị chủ đầu tư chưa hoàn thành mục tiêu, có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 85%), như: Sở Y tế (4,85%), Sở Du lịch (48,57%), UBND huyện Tương Dương (63,8%), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (65,28%), Sở Lao động - Thương binh và xã hội (70,76%), UBND huyện Kỳ Sơn (82,64%), Sở Văn hóa và Thể thao (83,27%) và Sở Công Thương (84,82%)…
Việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 khá thuận lợi với việc đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án ngay từ đầu năm. Công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao với việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, đôn đốc đến cơ sở; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cũng như giám đốc các sở, ngành theo dõi từng dự án; Tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực, hiệu quả; 100% chủ đầu tư đã hoàn thành cam kết và có đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng,...
Mặc dù vậy, một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: Ngân sách trung ương nguồn vốn trong nước, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân còn thấp; Có nhiều đơn vị chưa giải ngân (0%).
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy