Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, thu từ thoái vốn, cổ phần hoá phải nộp về ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, mới chỉ đạt 37,84% kế hoạch. Chính vì vậy, không chờ đến năm 2018 mà ngay trong tháng cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định để xử lý vướng mắc trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Có thể kể đến Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ 1/1/2018. Nghị định số 126 thay thế Nghị định số 59 ngày 18/7/2011; Nghị định số 189 ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116 ngày 11/11/2015. Hàng loạt sửa đổi, bổ sung để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như quy định về điều kiện và hình thức cổ phần hóa; phương thức bán cổ phần lần đầu; nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN; xử lý tài chính khi cổ phần hóa; xác định giá trị DN cổ phần hóa; chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa...
Hơn một tuần sau đó Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 121/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc trong việc cổ phần hóa DNNN. Các chuyên gia kinh tế và thị trường đều cho rằng đây tiếp tục là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong quyết tâm thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Trong thời gian Nghị định 126 chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ cho phép các DN đã có quyết định công bố giá trị DN nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa trước ngày Nghị định số 126 có hiệu lực và các DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai thì được tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59. Nhưng phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu…
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, dự kiến trong tháng 12/2017, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN để tạo ra hành lang pháp lý nhất quán cho công tác cổ phần hoá, sắp xếp và phát triển DN.
Điểm đáng chú ý nhất trong việc sửa đổi lần này là nghị định sẽ quy định rất cụ thể về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN phải gắn với đề án tái cơ cấu DN đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương; việc chuyển nhượng vốn của DNNN tại công ty cổ phần không phải là phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng và không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty đại chúng.
Việc chuyển nhượng này cũng phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của DNNN ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới giá trị vốn đầu tư ghi trong sổ kế toán của DNNN.
Cùng với đó, việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn do DNNN lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn.
Khi chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại NHTMCP, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của DNNN chịu trách nhiệm công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện theo quy định của pháp luật về hoạt động của TCTD có liên quan đến thực hiện chuyển nhượng vốn tại NHTMCP…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc ép các bộ, địa phương chậm bán vốn nhà nước giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bán vốn trong thời gian tới. Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, với quyết tâm của Chính phủ, công tác thoái vốn và cổ phần hóa DNNN trong năm tới sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Theo Thời báo Ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy